3 lần điều chỉnh tổ chức giao thông, nút giao Ngã Tư Sở không giảm ùn tắc
Thời gian qua, ngành giao thông vận tải Hà Nội có đến 3 lần tổ chức lại giao thông ở nút giao Ngã Tư Sở, tuy nhiên tình trạng ùn tắc ở nút giao này vẫn không hạ nhiệt.
Nút giao Ngã Tư Sở nhiều lần điều chỉnh tổ chức giao thông nhưng vẫn không thoát khỏi tình trạng ùn tắc. Ảnh: Hữu Chánh
Liên tục điều chỉnh tổ chức giao thông
Trong danh sách 35 "điểm đen" ùn tắc giao thông trên địa bàn TP Hà Nội, nút giao Ngã Tư Sở (quận Đống Đa, Hà Nội) được coi là điểm nóng gây bức xúc nhất cho người dân khi lưu thông qua nút giao này.
Theo ghi nhận của Lao Động, không chỉ riêng giờ cao điểm mà nhiều khung giờ khác trong ngày, những ngả đường hướng về nút giao đường Láng - Trường Chinh - Nguyễn Trãi - Tây Sơn luôn trong tình trạng dày đặc phương tiện.
Hình ảnh các phương tiện kéo dài hàng trăm mét trên các tuyến đường xung quanh nút giao Ngã Tư Sở, phải giành nhau từng chỗ trống để sớm thoát cảnh ùn tắc đã trở nên quen thuộc với người dân Thủ đô.
Trước thực trạng trên, ngành giao thông Hà Nội đã nhiều lần điều chỉnh phương án tổ chức giao thông để giải quyết tình trạng ùn tắc tại nút giao này.
Theo đó, vào tháng 6/2022, Sở Giao thông Vận tải Hà Nội (GTVT) đưa ra phương án thí điểm điều chỉnh tổ chức giao thông ở nút giao Ngã Tư Sở trong gần 1 tháng.
Phương tiện dày đặc ở nút giao Ngã Tư Sở sáng 9/1. Ảnh: Hữu Chánh
Các phương tiện bị cấm rẽ trái dưới gầm cầu Ngã Tư Sở mà phải rẽ phải ra các tuyến đường Trường Chinh hay Láng rồi vòng ngược lại. Với phương án này, các tuyến đường hướng về Ngã Tư Sở vẫn ùn tắc.
Trước đó, tháng 11/2020, Hà Nội thông xe tuyến đường Vành đai 2 trên cao. Thời điểm đó, Sở GTVT cũng đưa ra phương án tổ chức lại giao thông ở Ngã Tư Sở, nhưng tình trạng ùn tắc trên đường Trường Chinh hướng về Ngã Tư Sở vẫn diễn ra thường xuyên.
Sau hai lần điều chỉnh không thành công, từ 9/1, Sở GTVT Hà Nội lại thực hiện thí điểm phương án phân luồng giao thông mới tại nút giao Ngã Tư Sở - đường Láng.
Sau khi phân luồng lại, tình trạng ùn tắc theo hướng Trường Chinh đi Láng đã giảm bớt. Tuy nhiên, tại chiều ngược lại thì gia tăng ùn tắc khi các lối mở quay đầu phải nhận thêm áp lực giao thông.
Có thể thấy, tình trạng ùn tắc giao thông ở khu vực nút giao Ngã Tư Sở sau lần điều chỉnh tổ chức giao thông thứ 3 trong vòng 3 năm vẫn không được cải thiện nhiều như kỳ vọng, tắc vẫn hoàn tắc.
Khi ùn tắc ở nút giao Ngã Tư Sở chưa được giải phóng thì ngày mai (11/1/2023), đường Vành đai 2 trên cao đoạn từ cầu Vĩnh Tuy tới Ngã Tư Sở sẽ chính thức thông xe toàn tuyến. Giám đốc Sở GTVT Nguyễn Phi Thường lo ngại, khi Vành đai 2 thông xe sẽ gây ùn tắc các trục đường lân cận.
Giải pháp tình thế
Theo Tiến sĩ Phan Lê Bình, Chuyên gia JICA, Giảng viên Chương trình Thạc sĩ Kỹ thuật Hạ tầng - Đại học Việt Nhật, việc phân luồng lại nút Ngã Tư Sở chỉ là giải pháp tình thế. Bởi lẽ lượng phương tiện ngày càng tăng, xu hướng chuyển đổi từ xe máy sang ôtô ngày càng nhanh, trong khi đó đường không được mở thêm.
Ông Bình đánh giá, trong thời gian ngắn từ 6 tháng đến 1 năm, giải pháp này có tác dụng phần nào làm giảm xung đột giao thông tại nút giao Ngã Tư Sở nhưng không thể giải quyết triệt để.
Theo ông Bình, việc giải quyết được ùn tắc tại nút giao này lại đẩy ùn tắc sang nút giao khác là do các con đường đã quá tải mà chưa được mở rộng, xây mới.
Việc phân luồng lại nút giao Ngã Tư Sở là động thái cố gắng giải quyết ùn tắc tối đa của Sở GTVT Hà Nội. Người tham gia giao thông cũng cần phải tuân thủ theo phân luồng, chỉ huy giao thông của lực lượng chức năng.
Người dân đi ngược chiều không tuân thủ phân luồng của lực lượng chức năng. Ảnh: Hữu Chánh
"Chính những hành vi đi ngược chiều không tuân thủ phân luồng của lực lượng chức năng khiến tình trạng ùn tắc nghiêm trọng hơn", ông Bình nhấn mạnh.
Cũng theo ông Bình, việc tổ chức giao thông tại Ngã Tư Sở thời điểm này là không hề đơn giản. Toàn tuyến Vành đai 2 chỉ còn đoạn Ngã Tư Sở - Cầu Giấy chưa được đầu tư mở rộng, muốn đồng bộ được nốt đoạn cuối cùng này ít nhất phải chờ thêm từ 5 - 10 năm.
Nếu không có phương án tổ chức giao thông đặc thù, đây sẽ là một trong những điểm "đen" ùn tắc giao thông kéo dài, nhức nhối ở Hà Nội nhiều năm tới.