Quyết liệt lập lại trật tự đô thị trong những ngày đầu năm mới
Kinh doanh ngay trên vỉa hè, mua bán diễn ra ngay tại lề đường không những gây mất trật tự đô thị, ảnh hưởng mỹ quan đô thị và gây an toàn giao thông. Đáng lo ngại, khi các biện pháp phòng chống, dịch bệnh COVID-19 không được đảm bảo thì sẽ tiềm ẩn nhiều nguy cơ lây lan dịch bệnh.
Tái diễn tình trạng lấn chiếm vỉa hè, lòng, lề đường
“Đến hẹn lại lên”, cứ sau mỗi dịp Tết Nguyên đán, khi nhịp sống trở lại bình thường thì các cửa hàng kinh doanh, buôn bán lại bày biện hàng hóa phục vụ nhu cầu mua sắm của người dân. Tuy nhiên, nhiều hộ kinh doanh đã lợi dụng việc nới lỏng giãn cách phòng, chống dịch COVID-19 để tái lấn chiếm vỉa hè, lòng, lề đường…
Theo ghi nhận của phóng viên, tại khu vực quận Hoàng Mai, hàng loạt lều lán mọc lên tại tuyến phố Tân Mai (thuộc phường Hoàng Văn Thụ, quận Hoàng Mai, thành phố Hà Nội) hình thành chợ tạm. Khu vực trước cổng chợ đầu mối phía nam Hà Nội là hàng chục sạp hàng kinh doanh lấn chiếm vỉa hè, giao dịch mua bán diễn ra ngay tại lòng đường gây mất an toàn giao thông cho người và phương tiện khi lưu thông qua đây, đặc biệt vào giờ cao điểm.
Không những vậy, vấn đề vệ sinh môi trường cũng không được đảm bảo do hoạt động tự phát, gây mất mỹ quan đô thị. Đáng ngại hơn, tại khu vực nói trên không có các biện pháp phòng, chống dịch, tiềm ẩn nguy cơ lây lan dịch bệnh.
Khu vực trước cổng chợ đầu mối phía nam Hà Nội xuất hiện nhiều sạp hàng kinh doanh lấn chiếm vỉa hè |
Việc lấn chiếm lòng lề đường để kinh doanh buôn bán một phần nguyên nhân xuất phát từ sự tiện lợi khi người tiêu dùng dừng xe mua một món hàng thiết yếu bên đường mà không cần vào chợ, siêu thị. Hơn nữa, khu vực trên đông dân cư, tuyến phố Tân Mai có lượng lớn người lưu thông qua.
Ngoài ra, một nguyên nhân nữa là những người buôn bán chở hàng từ nơi khác đến. Chưa bàn đến chất lượng của những sản phẩm này, chỉ nói về giá cả thì những mặt hàng bán ở lòng, lề đường thường có giá “mềm” hơn do không tốn chi phí thuê quầy, sạp. Trong khi đó, đa số người mua là lao động có mức chi tiêu thấp.
Tại khu vực phố Trần Cung (quận Cầu Giấy), cũng có nhiều gánh hàng rong sử dụng vỉa hè, lề đường làm nơi bày bán hoa, quả, quần áo… Nhiều cửa hàng bán bánh, kẹo, hàng ăn cũng lấn chiếm vỉa hè để kinh doanh khiến người đi bộ phải đi xuống lòng đường.
Tương tự, tại đường Xuân Thủy (quận Cầu Giấy), đoạn qua cổng chợ Xanh, mọi người lại bắt gặp tình trạng chiếm dụng vỉa hè của các cửa hàng bán sạc, ốp điện thoại...
Còn khu vực phường Ngã Tư Sở (quận Đống Đa) cũng có điểm “nóng” là chợ Cầu Mới với việc nhiều tiểu thương sử dụng vỉa hè để bán hàng. Mặc dù, lực lượng công an phường ra quân nhắc nhở, thu giữ hàng hóa nhưng chỉ hạn chế phần nào vi phạm.
Quyết liệt lập lại trật tự đô thị
Trước thực tế nhiều hộ kinh doanh tái lấn chiếm vỉa hè, lòng đường để bán hàng, các địa phương đã triển khai các biện pháp lập lại trật tự đô thị, nhất là thời điểm sau dịp Tết Nguyên đán.
Vừa qua, Ban Chỉ đạo 197, Ban Chỉ đạo 138 quận Hoàng Mai đã tổ chức triển khai, thực hiện nghiêm túc các kế hoạch, chương trình công tác về phòng chống tội phạm, trật tự an toàn giao thông, vệ sinh môi trường, phòng cháy chữa cháy trên địa bàn quận.
Tại quận Đống Đa, Chủ tịch UBND phường Ngã Tư Sở Hoàng Mạnh Dũng cho biết, chợ "cóc" trên phố Cầu Mới đã tồn tại nhiều năm nay "ăn theo" chợ Ngã Tư Sở. Hằng ngày, UBND phường thường xuyên bố trí lực lượng công an cùng dân phòng ứng trực để nhắc nhở những cơ sở kinh doanh trong chợ Ngã Tư Sở không lấn chiếm vỉa hè, lòng đường.
Việc lấn chiếm vỉa hè để kinh doanh buôn bán diễn ra khá phổ biến |
Từ cuối năm ngoái đến nay, lực lượng chức năng phường đã ra quân xử lý vi phạm trật tự đô thị, vệ sinh môi trường tại phố Cầu Mới, lập biên bản nhiều trường hợp bán hàng rong nên tình trạng vi phạm trật tự đô thị, vệ sinh môi trường đã giảm. Tuy nhiên, lực lượng chức năng vẫn tăng cường ứng trực, tuyên truyền, xử lý vi phạm.
Đối với quận Đống Đa, Phó Trưởng phòng Quản lý đô thị quận Đống Đa Lê Kế Việt cho biết, phòng thường xuyên phối hợp với các phường thuộc quận tăng cường công tác tuần tra, kiểm soát, chủ động phát hiện, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm về trật tự đô thị. Trong đó, quận chú trọng xử lý các vi phạm liên quan đến lấn chiếm lòng đường, hè phố để kinh doanh.
Song song đó, quận cũng tăng cường công tác tuyên truyền, yêu cầu các hộ kinh doanh trên các tuyến phố ký cam kết thực hiện các quy định bảo đảm trật tự đô thị, không lấn chiếm vỉa hè, lòng đường để kinh doanh.
Để khắc phục tình trạng tái lấn chiếm vỉa hè, lòng đường, đề nghị các địa phương cùng đẩy mạnh tuyên truyền, đi đôi với xử lý nghiêm vi phạm để bảo đảm kỷ cương, duy trì trật tự đô thị nghiêm minh trên địa bàn toàn thành phố.