Công bố nhóm cổ đông mới "hàng khủng", Golden Gate "nhấn ga" tăng tốc hướng tới mốc doanh thu 1 tỷ USD
Không tiết lộ tổng giá trị chuyển nhượng, song nguồn tin riêng từ Golden Gate cho CafeBiz biết, nhóm cổ đông mới đầu tư vào Công ty này đáng chú ý có Tập đoàn Temasek. Nhóm cổ đông mới sẽ tham gia HĐQT Golden Gate, đóng góp trong việc hoạch định chiến lược phát triển cho công ty và được kỳ vọng sẽ giúp ông ty F&B số 1 Việt Nam đạt doanh thu 1 tỷ USD.
Theo ông Hoàng Quốc Khánh, Giám đốc khối Vận hành Golden Gate, tổng giá trị chuyển nhượng của thương vụ là thông tin bảo mật. Cơ cấu cổ đông có thay đổi như sau, 32,92% vốn góp của nhà đầu tư cũ Prosperity Food Concepts Pte Ltd (PFC) và một phần nhỏ vốn góp của 2 nhà sáng lập Công ty đã chuyển đổi cho các nhà đầu tư mới là Tập đoàn Temasek; SeaTown Private Capital và Periwinkle Pte Ltd (Singapore). Sau giao dịch chuyển nhượng, nhóm cổ đông mới sở hữu 35,95% cổ phần của Golden Gate.
"Thỏi nam châm" Golden Gate
Ông Hoàng Quốc Khánh - Giám đốc khối Vận hành Golden Gate (GGG) chia sẻ với CafeBiz rằng đây là thương vụ quan trọng bởi lẽ nhóm cổ đông mới là những quỹ đầu tư quốc tế lớn. Trong khi đó, cổ đông cũ PFC đã có khoản đầu tư thành công sau 3 năm rót vốn vào Golden Gate. Những đóng góp đáng kể của PFC đối với Golden Gate có thể kể đến như định hướng và đồng hành cùng ban lãnh đạo công ty nâng cao năng lực quản trị, tập trung vào mở rộng và phát triển những thương hiệu quan trọng đưa GGG trở thành công ty sở hữu chuỗi nhà hàng nhiều nhất Việt Nam, với phương châm mỗi nhà hàng trong chuỗi đều hoạt động hiệu quả.
PFC cũng đồng hành cùng Golden Gate quản trị khủng hoảng trong giai đoạn Covid, bao gồm việc đưa ra các định hướng về kiểm soát chi phí, quản trị dòng tiền và quản lý bảng cân đối kế toán...
Việc nhóm cổ đông mới chọn lựa Golden Gate để đầu tư trong bối cảnh đại địch Covid-19 vẫn căng thẳng tại Việt Nam chứng tỏ họ tin tưởng vào khả năng của Golden Gate cũng như tương lai của ngành F&B Việt Nam. Số liệu về kết quả kinh doanh cho thấy Golden Gate đã chủ động thích ứng với tình hình "bình thường mới" rất tốt. Cụ thể, năm 2020, công ty đạt doanh thu 4.559 tỷ đồng, sụt giảm không đáng kể dù có giai đoạn tất cả các nhà hàng thuộc hệ thống Golden Gate buộc phải đóng cửa do dịch bệnh.
Một chỉ số kinh doanh quan trọng là tỷ suất lợi nhuận gộp vẫn được công ty duy trì ở mức rất cao, khoảng 60%, và báo lãi sau thuế 65 tỷ đồng năm 2020. Bên cạnh đó, tệp khách hàng chính của Golden Gate là nhóm nhân viên văn phòng, các hộ gia đình có mức thu nhập từ khá trở lên. Nhóm khách hàng này có khả năng phục hồi tiêu dùng nhanh và vẫn duy trì thói quen đi ăn bên ngoài sau mỗi đợt dịch bệnh căng thẳng. Ví dụ, sau giai đoạn giãn cách tháng 4/2020, các thương hiệu như GoGi House, Manwah, Kichi – Kichi đã lấp đầy từ 80 – 100% công suất ngay trong tuần đầu tiên được mở cửa trở lại.
Các thương hiệu ẩm thực của Golden Gate.
Ông Khánh cho biết, Golden Gate tập trung vào việc đẩy mạnh đa dạng hoá nguồn thu, cắt giảm chi, tăng cường hiệu suất hoạt động. Họ tung ra các dịch vụ như G – Delivery (giao đồ ăn tại nhà), Ready – to – eat mang thương hiệu iCook (đồ ăn sơ chế, cấp đông và đóng gói).
Bên cạnh đó, Golden Gate cũng rất chú trọng vào phát triển đội ngũ quản lý và văn hóa doanh nghiệp. Đây cũng là những điểm gây ấn tượng mạnh với tất cả các nhà đầu tư khi tìm hiểu về GGG, ông Khánh chia sẻ. Nhóm cổ đông mới sẽ tham gia vào HĐQT Golden Gate và hỗ trợ Công ty trong công việc hoạch định chiến lược kinh doanh, cùng chúng tôi tiếp tục nâng cao hơn nữa hệ thống quản trị doanh nghiệp hiện đại theo tiêu chuẩn thế giới.
"Cùng với các nhà đầu tư mới chúng tôi vẫn hướng tới trở thành "Sự lựa chọn ẩm thực số 1" của khách hàng", ông Hoàng Quốc Khánh trả lời câu hỏi của CafeBiz.
Ông Khánh cũng chia sẻ về kết quả kinh doanh tích cực của Golden Gate trong năm 2021-điểm cộng lớn của công ty so với các đối thủ khác-bất chấp tác động tiêu cực của đại dịch đối với toàn bộ lĩnh vực kinh doanh nhà hàng tại Việt Nam. Mặc dù năm 2021, tuân thủ các quy định về phòng chống dịch của các tỉnh thành phố, công ty đã phải đóng cửa các nhà hàng 1/3 số ngày hoạt động trong năm, công ty vẫn đạt doanh thu 3.320 tỷ đồng, bằng 73% năm 2020.
Doanh thu hồi phục và tăng trưởng trở lại đặc biệt từ Quý 4/2021 khi các nhà hàng bắt đầu được mở bán trở lại. Lượt khách tới nhà hàng trong tháng 10/2021 tăng gấp 4 lần so với tháng trước đó, lượt khách tháng 12/2021 đạt hơn 1 triệu lượt, gấp đôi so với tháng 10/2021. Trong năm 2021, Golden Gate mở mới 44 nhà hàng, đóng và chuyển đổi 37 nhà hàng. Tính đến cuối tháng 2/2022, Golden Gate sở hữu tổng hơn 400 nhà hàng trên hơn 40 tỉnh, thành phố trên toàn quốc.
Đầu tư cả chiều rộng lẫn chiều sâu
Với sự tham gia của nhóm cổ đông mới có tiềm lực mạnh về tài chính và năng lực quản trị hiện đại, Golden Gate được cho là như "hổ chắp thêm cánh". Việc hoạch định chiến lược trong vòng 3 năm tới được doanh nghiệp đứng đầu lĩnh vực F&B này xác định sẽ tiếp tục tập trung mạnh mẽ vào core business (ngành kinh doanh cốt lõi) là kinh doanh chuỗi nhà hàng để đảm bảo tỷ lệ % tăng trưởng doanh thu hai con số mỗi năm như trước khi xảy ra đại dịch. Họ cũng không có ý định đầu tư đa ngành để đảm bảo nguồn lực được tập trung cho ngành kinh doanh chính.
Theo đó, có 2 nhóm chiến lược chính, theo tiết lộ của ông Hoàng Quốc Khánh.
Thứ nhất, tăng trưởng mạng lưới nhà hàng (đầu tư chiều rộng). Golden Gate có kế hoạch mở thêm 600 nhà hàng trong vòng vài năm tới, nâng tổng số nhà hàng lên 1.000 trên toàn quốc. Con số này đáng lẽ được hoàn thành sớm hơn nếu không có 2 năm bị ảnh hưởng nặng nề bởi dịch bệnh. Theo Giám đốc khối Vận hành Golden Gate, họ sẽ tiếp tục tập trung vào thế mạnh là nhóm ngành hàng Lẩu nướng, với các thương hiệu quen thuộc GoGi House, Manwah, Kichi - Kichi… Đây vẫn là những thương hiệu chủ lực đóng góp đến 90% doanh thu của doanh nghiệp và là đòn bẩy chính cho sự phát triển của Golden Gate trong thời gian tới.
Golden Gate có kế hoạch phát triển thêm nhiều thực đơn mang đậm văn hóa của đất nước Nhật Bản tại các nhà hàng phục vụ ẩm thực Nhật như iSushi, Shogun, Sumo Yakiniku... và đưa các nhãn hiệu này vào trong các trung tâm thương mại và mở rộng ra các thành phố lớn ngoài Hà Nội và Hồ Chí Minh.
Thứ hai, nâng cao hiệu quả kinh doanh của nhà hàng (đầu tư chiều sâu), cụ thể là nâng cao trải nghiệm của khách hàng trong 3 năm tới. Từ năm 2019, theo ông Khánh, Golden Gate đã đầu tư nhiều nguồn lực để nâng cao không gian trải nghiệm cho khách hàng.
"Tính đến cuối năm 2020, hầu hết các chuỗi của chúng tôi đều đã có sự nâng cấp về không gian nhà hàng. Các nhà hàng lẩu mát lạnh nhờ được trang bị điều hòa công nghệ mới và nâng cấp hệ thống thống hút mùi. Đặc biệt, mỗi nhà hàng vừa có nét đặc trưng của chuỗi lại có nét riêng biệt về tường trang trí, mặt tiền, điểm check-in.... Nhờ đó, khách hàng luôn có được sự trải nghiệm mới mẻ", ông Hoàng Quốc Khánh cho biết.
Về dịch vụ, Golden Gate duy trì sứ mệnh "Nhân viên hạnh phúc, khách hàng hài lòng" để mỗi khách hàng đến ăn là một trải nghiệm dịch vụ dễ chịu. Chuyển đổi số cũng sẽ là trọng tâm trong chiến lược 3 năm tới của công ty: áp dụng các phần mềm trong quản lý hiệu quả vận hành nhà hàng, luôn nâng cấp, áp dụng ứng dụng số xuyên suốt quá trình trải nghiệm khách hàng từ việc gọi đồ ăn, thanh toán, đánh giá dịch vụ… Cuối cùng, ông Khánh nói Golden Gate sẽ đầu tư mạnh mẽ nhằm áp dụng công nghệ vào hệ thống quản trị nội bộ để nâng cao năng suất lao động và tối ưu chi phí với mục tiêu đạt doanh thu 1 tỷ USD trong tương lai gần.