Doanh nghiệp Việt nắm bắt xu hướng mới vào thị trường Canada
Theo phóng viên TTXVN tại Ottawa, tại Hội chợ nguồn cung dệt may Toronto 2023, một doanh nghiệp của Việt Nam đã giành được mối quan tâm khá đặc biệt từ Ban tổ chức và Hiệp hội dệt may Canada nhờ có được những kế hoạch tập trung cho từng loại thị trường và khả năng nắm bắt được xu hướng chuyển đổi sản xuất vì môi trường xanh.
Việt Vương là một doanh nghiệp dệt may đi theo hướng gia công phục vụ các nhãn hàng thương hiệu thời trang của thế giới. Trong những năm qua, doanh nghiệp này đã có sự đầu tư mạnh mẽ cho cơ sở hạ tầng, với mục tiêu tạo ra môi trường làm việc xanh thân thiện, phục vụ lợi ích của người lao động và toàn cộng đồng.
Hiện Việt Vương đã mở nhà máy thứ 3 ở Bến Tre và cơ sở này đáp ứng mọi yêu cầu về hệ thống xếp hạng công trình xanh (LEED) của Hiệp hội Công trình xanh Hoa Kỳ, đồng thời cũng đạt luôn chứng nhận là doanh nghiệp xanh. Doanh nghiệp đặt khẩu hiệu không thỏa hiệp về chất lượng hay dịch vụ đang cung cấp cho khách hàng và các thương hiệu của họ, với quyết tâm khẳng định vị trí tại thị trường Bắc Mỹ này.
Ông Nguyễn Vĩnh Bảo, Giám đốc điều hành Việt Vương khu vực miền Nam, chia sẻ với phóng viên TTXVN tại Ottawa, Canada là một thị trường mới, có mùa Đông kéo dài nên phù hợp với các sản phẩm của doanh nghiệp. Điều đặc biệt là các công ty khách hàng và các thương hiệu lớn tại Canada rất chú trọng tới việc sản xuất ở các nhà máy xanh. Đây là xu hướng mà công ty đã nắm bắt được và có sự chuẩn bị sẵn sàng để có thể đáp ứng yêu cầu về tiêu chuẩn của các thương hiệu khách hàng.
Thị trường dệt may Canada được đánh giá là có sức tiêu thụ khá lớn, với tổng giá trị sản phẩm tiêu thụ lên tới 10 tỷ USD mỗi năm. Tuy nhiên, xuất khẩu dệt may của Việt Nam vào đây vẫn rất khiêm tốn. Số liệu của Cơ quan biên mậu Canada cho thấy giá trị xuất khẩu dệt may Việt Nam năm 2022 đạt khoảng 1,8 tỷ USD. Việt Nam đã vượt qua được Bangladesh, nơi có giá thành rẻ, để trở thành nước xuất khẩu hàng dệt may lớn thứ 2 vào Canada chỉ sau Trung Quốc, với thị phần hơn 12%.
Việt Vương cho rằng để có thể cạnh tranh với Trung Quốc, các nhà máy trong nước sẽ phải thay đổi nhằm đáp ứng được mối quan tâm của những thương hiệu khách hàng tại Canada. Các nhà máy đó sẽ phải có điểm nhấn đặc biệt, với những sản phẩm có giá trị đặc biệt. Phần lớn khách hàng ở đây đều quan tâm tới việc sản phẩm có được tạo ra từ nhà máy đạt tiêu chuẩn chất lượng về bảo vệ môi trường hay không và do vậy, nhà máy xanh sẽ là một lợi thế để các bạn chú ý hơn tới chúng ta.
Ông Bob Kirke, Giám đốc Liên đoàn Dệt may Canada, nhận xét công ty Việt Nam tham dự hội chợ lần này là công ty tốt, có uy tín. Họ có thể đã có khách hàng thương hiệu từ châu Âu, nhưng ông cho rằng họ đang muốn hướng tới thị trường Canada và Bắc Mỹ để phát triển. Theo ông, đây là một ý tưởng thật tuyệt vời. Hội chợ nguồn cung dệt may này dành cho những nhà sản xuất và những thương hiệu có uy tín. Việt Vương cũng đã có sự nghiên cứu về thị trường và có thể sẽ bắt tay được với những thương hiệu lớn ở Canada.
Việt Vương hiện đang có lượng khách hàng ổn định tại châu Âu và một số ở Mỹ, nhưng có vẻ như họ đã nhận thấy tiềm năng của Hiệp định đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), trong đó Việt Nam và Canada đều là thành viên, nên quyết định chuyển hướng dần sang khu vưc này.
Sau khi CPTPP có hiệu lực, Canada đã loại bỏ ngay 42 dòng thuế đối với sản phẩm dệt may Việt Nam và sau 5 năm thực thi, giá trị xuất khẩu của hàng dệt may Việt Nam đã tăng 100% so với năm 2018, thời điểm CPTPP chưa có hiệu lực. Thương vụ Việt Nam tại Canada đang đẩy mạnh việc hỗ trợ các doanh nghiệp của Việt Nam thông qua các hoạt động kết nối và phổ biến thông tin về thị trường Canada để có thể giúp tận dụng tối đa nguyên tắc xuất xứ của CPTPP trong lĩnh vực dệt may.
Bà Trần Thu Quỳnh, Tham tán Thương mại Đại sứ quán Việt Nam tại Canada, cho biết: "Qua kỳ hội chợ lần này cùng với những nỗ lực của Thương vụ để hỗ trợ ngành dệt may Việt Nam, chúng tôi đang hướng tới việc hướng dẫn doanh nghiệp của hai nước nói riêng và các doanh nghiệp tham gia CPTPP nói chung có được những chiến lược mua hàng, chiến lược đầu tư và chiến lược về hậu cần trong nỗ lực kết nối chuỗi cung ứng trong ngành dệt may toàn cầu, đặc biệt là chuỗi cung ứng của các nước tham gia CPTPP.
Ngoài việc chuyển đổi nhà máy xanh, Việt Vương còn đang hướng tới sản xuất các vật liệu tái tạo như vải từ sợi tái tạo. Đây sẽ là một xu hướng mới mà các nhà máy tại Việt Nam phải chuẩn bị để đáp ứng được yêu cầu vào thị trường Canada cũng như khu vực Bắc Mỹ.