Doanh nghiệp do nữ làm chủ: Tự tin vững bước
Đứng trước những thách thức của nền kinh tế, nhiều doanh nghiệp nhỏ và vừa do phụ nữ làm chủ (WSMEs) càng khẳng định được bản lĩnh, sự tin của phái đẹp để vượt qua và phát triển bền vững.
Doanh nghiệp nữ chủ tự tin thay đổi
Để có thể chèo lái con thuyền doanh nghiệp, vượt qua mọi sóng gió và đối phó thành công trước những tác động bất lợi của nền kinh tế như đại dịch COVID-19, hay những biến động mạnh trên các thị trường trong năm 2021-2022, các doanh nghiệp do phụ nữ làm chủ đã phải nỗ lực, gồng gánh nhiều lần so với bình thường. Sự chủ động thay đổi để thích ứng là tinh thần mà các nữ doanh nhân luôn hướng tới để giúp doanh nghiệp duy trì hoạt động, kinh doanh thành công.
“Công ty chúng tôi là một số ít các doanh nghiệp đã mạnh dạn vay vốn ngân hàng và mở rộng kinh doanh trong thời điểm COVID-19 kéo dài. Nhờ vốn ngân hàng mà chúng tôi có thành công như bây giờ”, bà Phạm Thu Hạnh - Phó Giám đốc Công ty TNHH Vận tải Phú Lộc (Thái Bình) cho biết.
Bà Phạm Thu Hạnh - Phó Giám đốc Công ty TNHH Vận tải Phú Lộc |
Phú Lộc là công ty chuyên vận tải hàng hóa, nông sản, vật tư tới mọi miền tổ quốc và xuất khẩu sang Trung Quốc. Chia sẻ về câu chuyện vay vốn ngân hàng giữa đại dịch, bà Hạnh cho biết, mặc dù có một thời gian hoạt động gián đoạn do dịch, cửa khẩu đóng cửa song công ty vẫn mạnh dạn vay vốn từ Ngân hàng SHB để mua thêm 21 xe Container, mở rộng quy mô và địa bàn hoạt động. So với năm 2021, doanh thu của Phú Lộc năm 2022 đã tăng 30%, đạt khoảng 100 tỷ đồng, số lượng cán bộ công nhân viên vì thế cũng tăng thêm lên gần 40%.
“Sự hỗ trợ của SHB thật sự quý giá, hỗ trợ đúng lúc và kịp thời. Tôi rất vui vì có thể tạo ra công ăn việc cho thêm nhiều người trong thời điểm cả nước phải giãn cách xã hội”, bà Hạnh tươi cười cho biết.
Là điểm sáng trong lĩnh vực nông nghiệp nông thôn tỉnh Thái Bình, Công ty Nghêu Thái Bình cũng là doanh nghiệp do nữ làm chủ đã đứng vững và phát triển mạnh mẽ trong giai đoạn 2020 - 2021.
Bà Vũ Thị Thanh Thủy - Phó Giám đốc Công ty Nghêu Thái Bình cho biết, dù trong bối cảnh dịch bệnh tác động không nhỏ đến nền kinh tế thế giới, công ty vẫn tìm được đầu ra của thị trường tại Mỹ, EU, Hàn Quốc, Đài Loan, Trung Quốc…, nhưng lại thiếu nguồn vốn lưu động để đầu tư mua thêm dây chuyền máy móc. “Công ty cũng đã vay vốn nhiều ngân hàng nhưng thời điểm đó rất khó có thể tiếp cận nguồn vốn với lãi suất ưu đãi. Thật may mắn, Ngân hàng SHB đã giúp chúng tôi có thêm vốn lưu động và vốn để đầu tư dây chuyền và máy cấp đông” - bà Thủy cho biết.
Từ ngày có thêm dây chuyền và máy cấp đông, Công ty Nghêu Thái Bình đã có thêm nhiều đơn đặt hàng từ các thị trường quốc tế, năng suất và doanh thu tăng mạnh, tạo thêm nhiều công ăn việc làm cho người lao động, đóng góp cho kinh tế xã hội địa phương. Hiện doanh thu của công ty đạt khoảng 100 tỷ đồng/năm. “Quan trọng là ngân hàng đã hỗ trợ chúng tôi kịp thời, thiết thực”- bà Thủy nhấn mạnh.
“May đo” chính sách phù hợp cho doanh nghiệp nữ chủ
Trong những năm gần đây, Chính phủ, các ban ngành đã có nhiều chính sách hỗ trợ các doanh nghiệp nhỏ và vừa, đặc biệt là các doanh nghiệp nữ chủ trong tiếp cận vốn ngân hàng. Ngành ngân hàng cũng triển khai nhiều chương trình ưu đãi chuyên biệt dành cho các doanh nhân nữ, tạo điều kiện để các doanh nghiệp này tiếp cận vốn giá rẻ.
Đơn cử như chương trình “Hỗ trợ giảm thiểu tác động của COVID-19, cho WSME” do Ngân hàng Sài Gòn - Hà Nội (SHB) và Ngân hàng Phát triển Châu Á (ADB) phối hợp thiết kế và triển khai từ cuối năm 2021. Chương trình nhằm mục đích hỗ trợ các doanh nghiệp nữ chủ phục hồi và ổn định sản xuất kinh doanh trước dịch bệnh COVID-19, giúp các doanh nghiệp phát huy tối đa tiềm năng của mình trong việc đóng góp cho phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.
SHB triển khai nhiều hỗ trợ thiết thực cho các doanh nghiệp nữ chủ |
Theo đó, các doanh nghiệp nữ chủ gặp khó khăn bởi COVID-19, được SHB miễn phí cơ cấu khoản vay, hỗ trợ 6 tháng tiền lãi (đối với khách hàng thuộc diện cần cấu trúc nợ); tài trợ phí cam kết rút vốn lên đến 8% giá trị khoản vay (đối với các khách hàng vay mới), đồng thời được miễn, giảm toàn bộ các loại phí liên quan… Giá trị khoản hỗ trợ này lên đến 10.000 USD, trích từ nguồn tài trợ của ADB.
Để giao dịch tài chính thuận lợi, SHB còn dành nhiều ưu đãi cho các doanh nghiệp nữ chủ như tặng tài khoản số đẹp đẳng cấp cho doanh nghiệp và lãnh đạo, miễn phí 100% dịch vụ chi hộ lương, miễn phí toàn bộ gói internet banking, phí chuyển tiền trong nước, miễn phí gói Combo tài khoản thanh toán Standard và phí sử dụng trong vòng 6 tháng.
Không chỉ tiếp sức về tài chính, SHB còn phối hợp với ADB tổ chức các lớp đào tạo, các chương trình tư vấn để nâng cao kỹ năng quản trị cho doanh nghiệp, từ đó nâng cao năng lực cạnh tranh và phát triển bền vững.
“Tôi thật sự cảm ơn SHB và ADB hỗ trợ chúng tôi kịp thời. Một miếng khi đói, bằng một gói khi no, những sự hỗ trợ này thật trân quý” - bà Phạm Thu Hạnh, Phó Giám đốc Công ty TNHH Vận tải Phú Lộc chia sẻ.
Ngoài Công ty Phú Lộc và Công ty Nghêu Thái Bình, đã có nhiều doanh nghiệp nữ chủ khác nhận được sự hỗ trợ từ SHB và ADB, với tổng ngân sách hỗ trợ trực tiếp lên tới gần 40 tỷ đồng. Thời gian tới, đại diện SHB cho biết sẽ tiếp tục phối hợp với ADB nhân rộng chương trình này nhằm chung tay hỗ trợ cho nhiều hơn nữa các doanh nghiệp nữ chủ tại Việt Nam phục hồi hoạt động sản xuất - kinh doanh, giảm thiểu tác động của đại dịch COVID-19, hướng tới mục tiêu phát triển bền vững.
Bên cạnh sự hợp tác với ADB, SHB còn hợp tác với nhiều tổ chức tài chính uy tín quốc tế lớn như WB, ADB, IFC, KfW… để chủ động hơn nữa nguồn vốn hỗ trợ cho khối doanh nghiệp SMEs nói chung và WSMEs nói riêng. Nhưng trong năm 2022, nguồn vốn tăng thêm từ hạn mức tài trợ thương mại cho SHB đã đạt hơn 800 triệu USD; nguồn vốn trung dài hạn vay từ các tổ chức quốc tế đã đạt gần 400 triệu USD. Đây sẽ là nguồn vốn dồi dào, có thuận lợi về cơ cấu kỳ hạn dài, có cơ chế ưu đãi để SHB phát triển danh mục cho vay trong đó các doanh nghiệp do phụ nữ làm chủ, để thêm điều kiện nắm cơ hội phục hồi sau đại dịch và tiếp tục tự tin vững bước trên chặng đường phía trước.