A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Thể thao Việt Nam trước thách thức khẳng định vị thế

Thể thao Việt Nam bước vào 2025 với nhiều mục tiêu, trên hết nhà quản lý vẫn chờ vào một sự đầu tư bền vững để nền thể thao vươn mình mạnh mẽ nhất.

Thể thao Việt Nam trước thách thức khẳng định vị thế

Thể thao Việt Nam bước vào 2025 với nhiều mục tiêu. Ảnh: Bùi Lượng

Tầm quan trọng của Chiến lược

Nhìn lại năm 2024, ngành thể thao đã được phê duyệt Chiến lược phát triển thể dục, thể thao Việt Nam đến năm 2030 tầm nhìn đến năm 2045 (ngày 15.10.2024).

Đây là quyết định quan trọng cho thể thao nước nhà bởi người làm thể thao và các đơn vị, Bộ, ngành liên quan có định hướng cụ thể về mục tiêu phát triển thể thao nước nhà.

“Xây dựng nền thể dục, thể thao phát triển bền vững, chuyên nghiệp. Mọi người dân đều được tiếp cận, thụ hưởng các dịch vụ thể dục, thể thao; tự giác tập luyện để nâng cao sức khỏe, thể lực và chất lượng cuộc sống.

Nâng cao thành tích của thể thao Việt Nam, từng bước tiệm cận, tiến tới ngang tầm các nước có nền thể thao phát triển tại châu Á. Mở rộng thị trường thể thao, huy động và sử dụng hiệu quả các nguồn lực trong phát triển sự nghiệp thể dục, thể thao”, đây là mục tiêu chung được ghi cụ thể tại Chiến lược phát triển thể dục, thể thao Việt Nam đến năm 2030 tầm nhìn đến năm 2045.

Cục trưởng Cục Thể dục - Thể thao Đặng Hà Việt từng trao đổi tại Hội nghị Tổng kết công tác năm 2024, triển khai nhiệm vụ năm 2025 của ngành thể thao (tháng 12.2024) rằng khi Chiến lược phát triển thể dục, thể thao Việt Nam đến năm 2030 tầm nhìn đến năm 2045 được phê duyệt và ban hành thì người làm thể thao có rất nhiều nhiệm vụ triển khai và yêu cầu trên hết phải đạt được tính hiệu quả nâng tầm hơn hình ảnh thể thao nước nhà.

Trong khi đó, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch tổ chức Hội nghị triển khai công tác đối với Chiến lược phát triển thể dục, thể thao Việt Nam đến năm 2030 tầm nhìn đến năm 2045, ghi nhận nhiều ý kiến chuyên môn.

Lãnh đạo Bộ cho rằng việc thực hiện thành công từng nội dung là vấn đề cốt lõi để Chiến lược đạt hiệu quả. Ghi nhận từ ngành thể thao, bắt đầu từ năm 2025, một số kế hoạch trong chương trình triển khai công tác Chiến lược phát triển thể dục, thể thao Việt Nam đến năm 2030 tầm nhìn đến năm 2045 được thực thi.

Tìm chiều sâu để nâng tầm và vươn mình

Năm 2023, thể thao Việt Nam dự ASIAD 19 tại Hàng Châu (Trung Quốc) và chúng ta đã đứng vị trí 21/43 quốc gia và vùng lãnh thổ của châu Á góp mặt. Khi đó, vận động viên Việt Nam giành tổng 3 huy chương vàng, 5 huy chương bạc, 19 huy chương đồng. Năm ngoài 2024, chúng ta đã dự Olympic tại Paris (Pháp). Chúng ta có 16 tuyển thủ tham dự đấu trường Olympic nhưng không giành được huy chương.

“Thể thao là thành tích và nếu không có thành tích thì mọi so sánh đều rất khó có thể phản biện được việc đầu tư”, chuyên gia thể thao Nguyễn Hồng Minh (nguyên Vụ trưởng Vụ thể thao thành tích cao - Ủy ban Thể dục - Thể thao Việt Nam) đã đưa quan điểm.

Trong Chiến lược phát triển thể dục, thể thao Việt Nam đến năm 2030 tầm nhìn đến năm 2045, mục tiêu thành tích được đưa ra cụ thể rằng thể thao nước nhà phải duy trì trong top 3 quốc gia đứng đầu tại đấu trường SEA Games (Đông Nam Á) và top 20 tại đấu trường ASIAD (châu Á) cũng như giành từ 5 đến 7 huy chương vàng tại các kỳ ASIAD, có huy chương tại các kỳ Olympic và Paralympic...

Các mốc chỉ tiêu quan trọng là kim chỉ nam để thể thao thành tích cao Việt Nam có đích hướng đến. Tuy nhiên, thành tích thể thao chỉ đến nếu sự chuẩn bị dài hơi và thực hiện bài bản.

“Chúng ta hiểu được các khó khăn và thách thức đối với ngành thể thao song cũng có không ít thuận lợi trong bối cảnh triển khai Kết luận 70-KL TW của Bộ Chính trị và Chiến lược phát triển thể dục, thể thao Việt Nam đến năm 2030 tầm nhìn đến năm 2045.

Phát huy những thành quả đã đạt được, ngành thể thao sẽ tập trung thực hiện các nhiệm vụ, có giải pháp trọng điểm để tiếp tục nâng cao thành tích trong năm 2025...”, ông Đặng Hà Việt từng chia sẻ.

Năm 2025, thể thao Việt Nam xác định là năm bản lề chuẩn bị lực lượng hướng đến các đấu trường quan trọng tương lai như ASIAD 20 (năm 2026, tại Nhật Bản), Olympic Los Angeles (năm 2026, tại Mỹ). Chắc chắn, chúng ta không bỏ qua cơ hội đạt thành tích tại SEA Games 33 tại Thái Lan.

Nhà quản lý xác định, vận động viên có triển vọng đạt thành tích chuyên môn tại SEA Games là sự thử lửa hữu hiệu rồi từ đó sẽ trở thành người trọng điểm để thể thao Việt Nam đầu tư tương xứng.

 


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Bài tin liên quan
Đang chờ cập nhật