Sự cứng nhắc của Ten Hag làm hại MU
Trong trận đấu giữa Manchester United và Brentford, có những lúc Erik Ten Hag như chết đứng bên đường pitch. Thậm chí đến cuộc họp báo sau đó, ông cũng tỏ ra ngơ ngẩn, thẫn thờ.
Hai trận thua của MU trước Brighton và Brentford không đơn thuần là một sự khởi đầu tồi tệ của "Quỷ đỏ". Đó là cuộc khủng hoảng toàn diện. Sau hai trận, MU chìm đắm ở vị trí cuối bảng xếp hạng Premier League. Giới truyền thông và các chuyên gia đồng loạt dùng những từ ngữ tồi tệ nhất để mô tả tình trạng của đội bóng từng giành 20 danh hiệu vô địch Anh.
Trước Ten Hag, mới chỉ có một HLV duy nhất để thua 2 trận đầu tiên sau khi lên nắm quyền. Đó là nhà cầm quân John Chapman và sự kiện đó xảy ra vào năm 1921. Nhưng tất nhiên sẽ không ai nhắc đến khả năng cựu HLV Ajax Amsterdam bị sa thải. Bởi HLV nào có đủ can đảm nắm quyền tại MU vào lúc này? Liệu có ai muốn thừa kế đống hỗn độn ở sân Old Trafford?
Có lẽ Ten Hag - cũng giống như người tiền nhiệm Rangnick - được kỳ vọng quá nhiều trước khi đến với sân Old Trafford. Chiến lược gia người Đức cho thấy ông không phải là người phù hợp với MU, và lời phán xét dành cho Ten Hag vẫn còn ở phía trước.
Tuy nhiên, với những người hiểu rõ phong cách của cựu HLV Ajax, hai thất bại thảm hại của MU không phải là điều gì đáng ngạc nhiên.
De Gea không đủ kỹ năng
Ten Hag được kỳ vọng áp dụng mô hình chiến thuật tương tự như thời Ajax với MU. Đó là phát động tấn công từ sân nhà và pressing tầm cao.
Ở phương diện này, thực tế Ten Hag không khác mấy so với Rangnick. Nhưng trong khi hàng công Ajax rất giỏi gây sức ép lên các hậu vệ đối phương, tuyến tiền đạo MU với "ông già" Cristiano Ronaldo 37 tuổi hoàn toàn không biết - hoặc không muốn - pressing.
Ajax của Ten Hag thường xuyên phát động tấn công từ sân nhà bằng những pha chuyền bóng ngắn. Nhưng nhân sự của MU ở tuyến dưới không đủ kỹ năng để chơi bóng theo phong cách của Ajax, Bayern Munich, Manchester City hay Liverpool. Và điều đó được thể hiện rõ ở trận thảm bại của MU trước Brentford thuộc vòng 2 Premier League hôm 13/8.
De Gea mắc lỗi ở 3 trong 4 bàn thua của MU trước Brentford. Ảnh: Reuters.
Ở trận đấu này, HLV Ten Hag yêu cầu thủ môn David de Gea là người chuyền bóng đầu tiên. Cặp trung vệ Harry Maguire và Lisandro Martinez dạt sang hai bên, tạo thành thế 3 chọi 2 với cặp tiền đạo Bryan Mbeumo và Ivan Toney của Brentford.
Nhưng De Gea không có khả năng chuyền bóng như Manuel Neuer (Bayern Munich), Ederson (Man City) hay Alisson Becker (Liverpool). Theo thống kê của Whoscored và Sky Sports, tỷ lệ chuyền bóng chính xác của Neuer lên đến 88-92%, Ederson và Becker đạt mức lần lượt 85% và 84%. Ngược lại, con số của De Gea chỉ là 61,6%.
Như vậy, khi các tiền đạo Brentford áp sát hậu vệ của MU, De Gea bối rối không biết chuyền bóng cho ai và dễ mắc lỗi. Neuer hay hai thủ môn Brazil có thể dễ dàng phá pressing của đối phương bằng một đường chuyền dài chính xác, nhưng De Gea không thể.
Do đó, khi bị pressing dữ dội, MU dễ hoảng loạn. Bàn thua thứ hai của MU trước Brentford cho thấy rõ điểm yếu của De Gea và sự hoảng loạn của MU.
Cặp tiền đạo Brentford áp sát khiến De Gea không thể chuyền cho các hậu vệ và anh chọn giải pháp đẩy bóng lên cho Christian Eriksen. Nhưng đó là một quyết định tệ hại bởi tiền vệ người Đan Mạch bị Mathias Jensen kèm quá sát và MU phải trả giá bằng bàn thua.
De Gea chơi chân không giỏi, dẫn đến việc phát động bóng từ sân nhà kém.
Con đường nào cho Ten Hag?
Sẽ không phải vô lý nếu cho rằng Ten Hag quá cứng nhắc khi buộc MU chơi bóng kiểu Ajax khi ông không có trong tay một thủ môn phù hợp. Việc chiến lược gia Hà Lan sử dụng Eriksen trong vai trò của một "regista" cũng cho thấy sự máy móc.
Ở trận đấu với Brighton, HLV Ten Hag sử dụng cặp tiền vệ Fred và Scott Mctominay. Nhưng cả hai đều không giỏi giữ bóng và phát động tấn công.
Có lẽ Ten Hag nghĩ rằng Eriksen giỏi cầm bóng và chuyền bóng tốt, sẽ phù hợp với vai trò "regista" nên xếp anh ở vị trí thấp nhất hàng tiền vệ MU, rồi đẩy Fred và Bruno Fernandes lên rất cao. Toàn bộ gánh nặng phát triển bóng dồn hết lên vai Eriksen, người hiếm khi chơi ở vị trí này. Nhưng chỉ với nước cờ đẩy Jensen kèm chết Eriksen, HLV Brentford Thomas Frank đã dễ dàng phá vỡ chiến thuật của Ten Hag.
Ten Hag đối diện nguy cơ sa thải nếu không vực dậy được đội. Ảnh: Reuters.
Tương tự là việc đặt niềm tin vào Martinez, một cầu thủ được xem là có khả năng phát động tấn công tốt. Nhưng vấn đề là Martinez chỉ cao 1,75 m. Trong một tập thể kiểm soát bóng tốt, một trung vệ thấp như vậy có thể thi đấu hiệu quả. Nhưng MU không phải là đội bóng như vậy.
Và trước các tiền đạo cao to ở Premier League, Martinez sẽ dễ dàng trở thành điểm yếu chí mạng của MU. Một trong những phương án tấn công rõ nét nhất của Brentford chính là đánh vào điểm yếu chiều cao của Martinez và họ đã thành công.
Trên thực tế, lối đá "kiểu Ajax" là xu thế phổ biến, được rất nhiều đội bóng lớn áp dụng. Tuy nhiên, rõ ràng là MU không có nhân sự phù hợp để Ten Hag áp dụng lối đá này.
Bản thân HLV Rangnick từng hứng quả đắng ở MU và công khai nói rằng ông thấy không ai ở đội bóng hiểu về cách pressing hiện đại. Từng được kỳ vọng, cuối cùng Rangnick phải cúi đầu rời sân Old Trafford.
Vẫn còn quá sớm để dự đoán về số phận của Ten Hag tại sân Old Trafford. Rất có thể ông sẽ tìm ra phương án chiến thuật mới phù hợp với đội hình MU. Nhưng những dấu hiệu đầu tiên là rất xấu.
Sau hai thất bại thảm hại, Ten Hag chỉ có hai sự lựa chọn. Đó là hoặc tiếp tục cố thay đổi các cầu thủ MU, hoặc thay đổi tư duy bản thân. Có lẽ con đường nào cũng khó.
Và với cuộc khủng hoảng đang bùng lên ở sân Old Trafford, có lẽ Ten Hag sẽ không có nhiều thời gian.