A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Phóng viên nước ngoài hào hứng, ấn tượng Việt Nam

SEA Games 31 là nơi hội tụ nhiều phóng viên báo chí của các nước đến tác nghiệp, kịp thời đưa những hình ảnh sống động, những dòng tin nóng hổi nhất về diễn biến từng trận đấu, từng nội dung thi đấu. Kết thúc kỳ SEA Games đầy thành công, nhiều phóng viên nước ngoài đã bày tỏ sự ấn tượng về đất nước, con người; Sự phát triển của nền báo chí cách mạng Việt Nam.

Sự hỗ trợ kịp thời của nước chủ nhà

Kể từ khi sang Việt Nam đưa tin về SEA Games 31, nhiều phóng viên quốc tế chia sẻ, họ đặc biệt ấn tượng với công tác tổ chức của Việt Nam. Mặc dù dịch COVID-19 diễn biến phức tạp song với tinh thần trách nhiệm cao, nước chủ nhà đã làm tốt công tác tổ chức

Phó Giám đốc Trung tâm báo chí SEA Games 31, Phó Vụ trưởng Vụ Thông tin Báo chí (Bộ Ngoại giao) Đoàn Khắc Việt cho biết: “Trung tâm báo chí SEA Games 31 có diện tích sàn gần 600m2 với đầy đủ các phòng chức năng nhằm đáp ứng nhu cầu tác nghiệp, sản xuất tin bài của phóng viên trong nước và quốc tế.

Hệ thống đường truyền internet tốc độ cao miễn phí được kết nối thông qua 2 hình thức mạng LAN và Wifi cũng đã được đưa vào hoạt động, nút mạng chờ đảm bảo kết nối tốc độ cao do VNPT cung cấp.

Ngoài ra, trung tâm bố trí hệ thống truyền hình số, màn hình tivi cỡ lớn kết nối hiện trường, đáp ứng hệ thống máy in, máy photocopy hiện đại.

Khu vực dành cho phóng viên viết, phóng viên ảnh và phòng họp báo được bố trí bàn ghế, nhiều màn hình nhỏ và màn hình lớn xung quanh để giúp các đội ngũ truyền thông có thêm thông tin trong quá trình tác nghiệp”.

Trước sự chuẩn bị chu đáo từ Việt Nam, các phóng viên quốc tế đã có một kỳ SEA Games được hỗ trợ mọi mặt về quá trình tác nghiệp. Điều khiến nhiều phóng viên quốc tế bất ngờ chính là hệ thống máy móc phục vụ báo chí, thể hiện sự phát triển vượt bậc của nền báo chí cách mạng Việt Nam.

Nhà báo Thái Lan, anh Viriyah Tong Tunnukolkit đã tham gia đưa tin và tác nghiệp hai kỳ SEA Games cách nhau 19 năm tại Việt Nam

Nhà báo Thái Lan, anh Viriyah Tong Tunnukolkit đã tham gia đưa tin và tác nghiệp hai kỳ SEA Games cách nhau 19 năm tại Việt Nam

Nhà báo Thái Lan, anh Viriyah Tong Tunnukolkit đã tham gia đưa tin và tác nghiệp tại cả 2 kỳ SEA Games cách nhau 19 năm ở Việt Nam đã bày tỏ nhiều bất ngờ về sự phát triển này.

Anh Viriyah Tong Tunnukolkit cho biết: “Việt Nam đã thay đổi rất nhiều. Tôi vẫn nhớ 19 năm trước khi tới đây tác nghiệp tại SEA Games 22, đường sá Hà Nội vẫn còn nhiều xe đạp đi lại. Còn bây giờ, các tòa cao ốc mọc lên khắp nơi, xe đạp cũng được thay thế bằng xe máy, ô tô cả rồi.

Điều kiện tác nghiệp ở Việt Nam tại SEA Games lần này cũng khá tốt và sự phát triển máy móc hiện đại khi báo chí tác nghiệp theo kịp các nước tiên tiến. Nước chủ nhà có trung tâm báo chí thuận tiện cho phóng viên gửi tin, bài, hỏi thông tin cần thiết. Mặc dù thời gian chuẩn bị khá ngắn nhưng Việt Nam đã bố trí các trang thiết bị hiện đại nhất. Công tác an ninh được tổ chức chặt chẽ”.

Tác nghiệp trong thời đại số

Có thể nói, được tác nghiệp ở một sự kiện lớn như SEA Games 31 là trải nghiệm thú vị đối với cả các phóng viên trong nước. Các phóng viên Việt Nam học hỏi rất nhiều kiến thức chuyên môn, hình thức tác nghiệp chuyên nghiệp hiện đại đến từ các kênh thể thao quốc tế và khu vực Đông Nam Á.

Đây là những điều hiếm có cơ hội được lĩnh hội ở một trường lớp chính quy. Từ “đòn bẩy” chuyên môn này, anh em phóng viên, biên tập viên nhiều đài truyền hình, báo địa phương cũng nỗ lực theo kịp xu thế chung của thế giới.

Hệ thống máy móc hiện đại, kết nối hiện trường tại Trung tâm báo chí SEA Games 31 hỗ trợ phóng viên tác nghiệp

Hệ thống máy móc hiện đại, kết nối hiện trường tại Trung tâm báo chí SEA Games 31 hỗ trợ phóng viên tác nghiệp

Ông Elmi Rizal Bin Elias, biên tập viên Hãng thông tấn Quốc gia Malaysia (BERNAMA) cho biết, nhóm phóng viên Malaysia tham dự đưa tin về SEA Games 31 khoảng 30 người. Địa điểm tác nghiệp có đầy đủ thiết bị tối tân nên chúng tôi cảm thấy rất thoải mái khi làm việc. Tôi được biết ngay sau khi dịch bệnh qua thời điểm diễn biến phức tạp nhất, Việt Nam đã lập tức dồn mọi nguồn lực để chuẩn bị cho SEA Games 31.

Các trang thiết bị hiện đại liên tục được nhập về và khẩn trương lắp đặt. Nhờ quyết tâm, các bạn đã làm rất tốt công tác tổ chức. Các phóng viên đều nhận được sự hỗ trợ gần như lập tức khi có nhu cầu. Có thể nói, công tác tổ chức đại hội được Việt Nam chuẩn bị rất tỉ mỉ, công phu và để lại nhiều ấn tượng mạnh mẽ với cộng đồng quốc tế.

Nhờ các hệ thống máy móc hiện đại, chúng tôi tác nghiệp rất thuận tiện. Ngoài các bản tin đưa trên các kênh thể thao, chúng tôi còn đưa tin trực tiếp lên fanpage của Hãng thông tấn Quốc gia Malaysia (BERNAMA). Những bản tin sống động kịp thời mang tính thời sự cao rất thu hút độc giả”.

Đây cũng là những cách thức tác nghiệp mà nhiều phóng viên trong nước học hỏi. Trong thời đại công nghệ số, khi có sự “lên ngôi” của mạng xã hội, cách thức độc giả tiếp cận thông tin báo chí đã có những thay đổi. Do đó, cách thức làm báo cũng cần thay đổi để thích ứng phù hợp.

Ngoài ra, khi tác nghiệp tại các sự kiện “nóng” liên tục như SEA Games 31, đội ngũ phóng viên sử dụng nhiều ứng dụng công nghệ tác động mạnh mẽ đến lĩnh vực báo chí như: Viết tin tự động, công nghệ chatbot, trí tuệ nhân tạo, phần mềm chuyển đổi âm thanh sang file văn bản, chuyển đổi file ảnh văn bản sang file word… đã tạo điều kiện thuận lợi cho các phóng viên.

Với máy tính xách tay, máy ảnh số, máy quay video kỹ thuật số, điện thoại thông minh kết nối internet, các phóng viên quốc tế có thể tác nghiệp, đăng tải tin, bài mọi lúc, mọi nơi một cách nhanh chóng.

Nhờ chủ động tiếp cận, ứng dụng tốt các công nghệ, nay đội ngũ phóng viên trong nước và quốc tế có thể tác nghiệp đa phương tiện, trực tiếp viết nội dung, xử lý ảnh, âm thanh và dựng video tại hiện trường; Sau đó, gửi duyệt xuất bản, đáp ứng được nhu cầu thông tin nhanh của công chúng. Đây cũng là xu hướng mà nền báo chí Việt Nam sẽ hướng đến trong thời đại Cách mạng công nghiệp 4.0.


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Bài tin liên quan
Đang chờ cập nhật