A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Vì sao tăng trưởng tiền gửi của TPBank lên tới gần 40%, cao vượt trội so với toàn ngành?

Trong khi tiền gửi ở nhiều ngân hàng sụt giảm hoặc không tăng được thì ở TPBank lại tăng đến gần 40%.

Vì sao tăng trưởng tiền gửi của TPBank lên tới gần 40%, cao vượt trội so với toàn ngành?

Theo báo cáo tài chính quý IV/2022, tăng trưởng tiền gửi khách hàng của TPBank trong năm 2022 cao đột biến, lên tới gần 40%. Trong đó, nhóm khách hàng hộ kinh doanh, cá nhân là động lực chính, với số dư tiền gửi tăng gần 28.300 tỷ (tương đương tăng 46%) lên gần 90.000 tỷ đồng. Hiện nhóm khách hàng này chiếm tỷ trọng 46% trong tổng tiền gửi.

Về cơ cấu tiền gửi theo kỳ hạn, số dư tiền gửi không kỳ hạn và có kỳ hạn tại TPBank đều tăng trong năm qua. Trong đó, số dư tiền gửi không kỳ hạn (CASA) tăng thêm hơn 1.700 tỷ đồng lên 32.525 tỷ.

Trong báo cáo phân tích mới phát hành, Chứng khoán KB Việt Nam (KBSV) cho biết, tăng trưởng huy động khách hàng của TPBank cao vượt trội so với trung bình nhóm ngân hàng quan sát (11,0%) trong bối cảnh hệ thống ngân hàng gặp nhiều khó khăn về thanh khoản trong năm 2022.

Theo KBSV, động lực chính đến từ tăng trưởng khách hàng mới với 3,7 triệu khách hàng mới trong năm cùng với mức nền quy mô huy động thấp hơn tương đối so với các ngân hàng khác (đứng thứ 13 trong nhóm ngân hàng quan sát).

Với mức tăng trưởng huy động tốt, đáp ứng các yêu cầu về thanh khoản của hệ thống, TPBank có lợi thế hơn so với nhóm các ngân hàng khác dựa trên các yếu tố: (1) Có dư địa để tăng trưởng tín dụng, không bị chặn bởi các chỉ tiêu về thanh khoản; (2) Áp lực tăng lãi suất huy động thấp. Lãi suất huy động tháng 12/2022 với kì hạn 12 tháng trả lãi cuối kì của TPBank tăng 1,1% so với tháng 9/2022, là mức tăng thấp thứ 2 trong nhóm ngân hàng quan sát và tại thời điểm hiện tại đã giảm 0,1% trong tháng 2/2023; (3) Kì vọng CASA hồi phục nhờ tệp khách hàng tăng trưởng tốt trong thời gian vừa qua và mặt bằng lãi suất đầu vào ổn định trở lại.

Trước đó, Chứng khoán Bản Việt (VCSC) cũng cho biết, mức tăng trưởng huy động tới 40% của TPBank phần lớn đến từ việc số lượng tài khoản khách hàng tăng mạnh (tăng 38% trong 11 tháng đầu năm).

Về phía TPBank, ngân hàng này cho biết, mặc dù mức lãi suất huy động không cao so với mặt bằng chung, nhưng nhờ uy tín cao nên hàng triệu khách hàng vẫn tin tưởng lựa chọn TPBank làm địa chỉ gửi tiền. Ngân hàng đã thu hút được nguồn vốn huy động lớn từ dân cư, chính bởi niềm tin và sự ghi nhận từ khách hàng vào một định chế tài chính vững mạnh.

Ngân hàng cũng liên tục duy trì thanh khoản lành mạnh: trên thị trường 1, tỷ lệ dư nợ trên tổng tiền gửi (LDR) của TPBank ở mức khoảng 85%, trong khi mức bình quân toàn ngành là 93%. Điều này giúp ngân hàng đảm bảo tốt thanh khoản khi thị trường liên ngân hàng biến động.

Năm 2022, lợi nhuận trước thuế của TPBank đạt 7.828 tỷ đồng, tăng khoảng 30% so với năm 2021. Trong đó, thu nhập từ phí tăng trưởng khả quan, đến từ việc gia tăng dịch vụ bảo lãnh và tài trợ thương mại. Ngoài ra, trích lập dự phòng rủi ro thấp hơn do ghi nhận sự hồi phục tích cực của khách hàng được cơ cấu nợ trong giai đoạn dịch Covid-19.


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Bài tin liên quan
Đang chờ cập nhật