Kinh tế tuần hoàn: Hướng đi tất yếu của phát triển bền vững
Việc chuyển đổi từ mô hình kinh tế tuyến tính (sản xuất, tiêu dùng rồi thải bỏ), sang mô hình tuần hoàn, nơi tài nguyên được tái sử dụng và chất thải được tái chế, đang dần trở thành định hướng phát triển quan trọng.
![]() |
Mục tiêu giảm phát thải cần sự thay đổi từ thói quen tiêu dùng đến hành vi phân loại rác, từng bước xây dựng văn hóa sống xanh. Ảnh minh họa: INT |
Thực trạng báo động về chất thải
Thế giới đang đứng trước thách thức lớn về biến đổi khí hậu, cạn kiệt tài nguyên và áp lực giảm phát thải khí nhà kính, khái niệm kinh tế tuần hoàn không còn là lựa chọn mà đã trở thành xu hướng bắt buộc đối với các quốc gia, đặc biệt là những nền kinh tế đang phát triển như Việt Nam.
Theo thống kê từ Bộ Nông nghiệp & Môi trường, mỗi năm Việt Nam phát sinh khoảng 1,8 triệu tấn rác thải nhựa, trong đó có từ 280.000 đến 730.000 tấn trôi ra biển. Trong số đó, chỉ khoảng 27% được thu gom và tái chế bởi các cơ sở, doanh nghiệp. Số còn lại chủ yếu bị chôn lấp, đốt hoặc xả thẳng ra môi trường, gây áp lực lớn lên hệ sinh thái.
Mức tiêu thụ nhựa tại Việt Nam vẫn tăng mạnh, trung bình 15% mỗi năm. Đơn cử, năm 2023, ngành nhựa đạt quy mô khoảng 25 tỷ USD với 4,5 tỷ USD xuất khẩu, nhưng lượng chất thải đi kèm là cực kỳ lớn, trong đó phần lớn là bao bì, túi nilon, nhựa sử dụng một lần - những vật liệu khó phân hủy, giá trị tái chế thấp và gần như không được thu hồi.
Luật Bảo vệ môi trường (sửa đổi năm 2020), Chiến lược tăng trưởng xanh giai đoạn 2021 - 2030 và cam kết Net Zero đến năm 2050 tại COP26 đều đã xác định rõ kinh tế tuần hoàn là hướng đi trọng tâm. Tuy nhiên, việc triển khai trên thực tế vẫn còn chậm và gặp nhiều rào cản. Cơ chế hỗ trợ doanh nghiệp đổi mới công nghệ còn chưa rõ ràng, mô hình thí điểm còn nhỏ lẻ và chưa có tính lan tỏa. Bên cạnh đó, lực lượng thu gom rác phi chính thức (vốn đang đóng vai trò chủ lực trong việc thu gom rác nhựa) vẫn chưa được công nhận đúng mức và chưa được tích hợp vào hệ thống chính sách môi trường quốc gia.
Tái sinh từ rác thải
Trong khi nhiều doanh nghiệp vẫn còn chờ đợi chính sách, một số đơn vị tư nhân tại Việt Nam đã chủ động bước vào sân chơi kinh tế tuần hoàn.
VietCycle là doanh nghiệp đã xây dựng hệ sinh thái thu gom và tái chế rác thải nhựa gắn liền với mục tiêu phát triển bền vững. Khác với các doanh nghiệp chỉ tập trung vào đầu ra sản phẩm, VietCycle bắt đầu từ chính những chai nhựa, túi nilon bị bỏ quên. Họ không chỉ tái chế rác mà còn tái thiết lại tư duy về giá trị tài nguyên trong rác thải. Rác không còn là gánh nặng, mà là nguyên liệu đầu vào cho một chu trình sống mới.
Điểm đặc biệt trong mô hình VietCycle là sự tham gia của lực lượng lao động yếu thế (hàng ngàn phụ nữ làm nghề thu gom ve chai) vốn là những “người vô hình” trong hệ thống quản lý chất thải hiện nay. Doanh nghiệp đã tổ chức đào tạo, hỗ trợ và tạo sinh kế bền vững cho nhóm đối tượng này, giúp họ trở thành một phần không thể thiếu trong chuỗi cung ứng tái chế. Không chỉ góp phần giảm chi phí, tăng hiệu quả thu gom, mô hình này còn mang ý nghĩa xã hội rõ nét.
Ông Hoàng Đức Vượng - Chủ tịch VietCycle, đồng thời là Chủ tịch Chi hội Nhựa tái sinh (Hiệp hội Nhựa Việt Nam) cho biết: “Chúng ta có mạng lưới thu gom rác phi chính thức rất mạnh, hàng trăm nghìn người hành nghề lâu năm, nhưng chưa có cơ chế chính sách nào phát huy được lực lượng này một cách bài bản. Họ chính là xương sống trong hệ sinh thái tuần hoàn của Việt Nam”.
Cần sự đồng hành của cả hệ thống
Không dừng lại ở thu gom, VietCycle đã đầu tư vào hệ thống truy xuất nguồn gốc nhựa tái chế, hợp tác với các tổ chức quốc tế để minh bạch hóa chuỗi giá trị và từng bước chuẩn hóa hệ thống của mình như một mô hình có thể nhân bản.
Doanh nghiệp cũng tham gia đóng góp ý kiến vào nhiều chính sách môi trường và thiết kế sinh thái, đồng hành cùng cơ quan quản lý Nhà nước về môi trường trong việc thúc đẩy hệ thống EPR - trách nhiệm mở rộng của nhà sản xuất.
Điều này cho thấy, khi có mô hình đúng, sự vào cuộc của cộng đồng và chính sách hỗ trợ phù hợp, kinh tế tuần hoàn hoàn toàn có thể vận hành hiệu quả tại Việt Nam. Tuy nhiên, để nhân rộng các mô hình này, cần những bước đi quyết liệt hơn.
Ngày 10/7 vừa qua, HĐND TP Hà Nội thông qua nghị quyết quy định biện pháp giảm phát thải nhựa trong hoạt động sản xuất, kinh doanh, dịch vụ và sinh hoạt trên địa bàn. Với hoạt động kinh doanh, dịch vụ, Hà Nội quy định từ ngày 1/1/2026, khách sạn, khu du lịch không lưu hành và sử dụng sản phẩm từ nhựa sử dụng một lần. Chợ, cửa hàng tiện lợi không cung cấp miễn phí túi nylon khó phân hủy sinh học kể từ ngày 1/1/2027.
Trong sinh hoạt, cơ quan, đơn vị, tổ chức, đoàn thể trực thuộc chính quyền thành phố không sử dụng sản phẩm nhựa sử dụng một lần, bao bì nhựa khó phân hủy sinh học từ ngày 1/1/2028.
Từ 2031, doanh nghiệp dừng sản xuất, nhập khẩu sản phẩm nhựa sử dụng một lần, bao bì nhựa khó phân hủy sinh học và sản phẩm, hàng hóa chứa vi nhựa, trừ trường hợp sản xuất để xuất khẩu. Đây là những quy định rất cụ thể, nghiêm túc, hoạch định chiến lược để hướng tới tương lai phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050.
Kinh tế tuần hoàn không phải là một xu thế thời thượng mà là chìa khóa để mở ra con đường phát triển mới hướng đến bền vững hơn, hiệu quả hơn, công bằng hơn. Những mô hình tiên phong như VietCycle hay các doanh nghiệp chú trọng tái sinh rác thải nhựa khác cho thấy tiềm năng rất lớn nếu các bên cùng chung tay: Chính sách mở đường, doanh nghiệp đầu tư và cộng đồng đồng hành.