A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Hải Phòng “quyết” đưa chuyển đổi số thành động lực phát triển

Hải Phòng xác định một trong những nhiệm vụ trọng tâm trong năm 2022 là tập trung tạo lập nền tảng về chuyển đổi số (CĐS). Đưa CĐS thực sự trở thành động lực để thực hiện các khát vọng phát triển.

Bí thư Thành ủy Hải Phòng Trần Lưu Quang: Hải Phòng chuẩn bị các điều kiện để xây dựng hạ tầng số cũng như cơ sở đào tạo cho các DN khi triển khai CĐS
Theo Bí thư Thành ủy Hải Phòng Trần Lưu Quang, thành phố đã chuẩn bị các điều kiện để xây dựng hạ tầng số cũng như cơ sở đào tạo cho các doanh nghiệp khi triển khai chuyển đổi số

Cả hệ thống chính trị vào cuộc

Ông Hoàng Minh Cường, Phó Chủ tịch UBND TP Hải Phòng cho biết: “Để CĐS thành công thì cần có cuộc cách mạng về thể chế, cần đi trước một bước và được điều chỉnh linh hoạt để chấp nhận không gian số mới; Những mô hình, dịch vụ, sản phẩm và công nghệ mới. Chính vì vậy, CĐS cần sự vào cuộc quyết tâm của toàn hệ thống chính trị, triển khai xuyên suốt, đồng bộ từ cấp Trung ương đến địa phương.

Năm 2022 chính là thời điểm thành phố tạo lập nền tảng CĐS và năm 2022 - 2025 sẽ là giai đoạn tăng tốc với những hành động triển khai cụ thể theo từng ngành, lĩnh vực, địa phương...”.

Thực hiện chương trình hành động về CĐS, thành phố Hải Phòng đã thành lập Ban chỉ đạo CĐS thành phố do Chủ tịch UBND thành phố làm Trưởng ban; Đồng thời thành lập Ban chỉ đạo CĐS các địa phương do người đứng đầu UBND làm trưởng ban, có sự tham gia của các đoàn thể.

Hải Phòng đặt mục tiêu phát triển nền tảng số, hạ tầng số, đảm bảo mạng lưới cáp quang phủ khắp các quận huyện, xã, phường và xóa toàn bộ các vùng lõm sóng di động toàn thành phố; Đảm bảo chất lượng dịch vụ viễn thông đạt mức cao so với toàn quốc.

Ba trụ cột kinh tế của Hải Phòng gồm công nghiệp công nghệ cao - cảng biển, logistics - du lịch, thương mại cũng được xác định là các lĩnh vực thành phố sẽ tập trung CĐS mạnh mẽ.

Cụ thể, thành phố Hải Phòng hướng tới xây dựng hệ thống cảng thông minh với các nền tảng công nghệ 5G, IoT, hệ thống thông tin dữ liệu lớn quản lý về cảng biển, hậu cần cảng biển, kinh tế biển và dịch vụ logistics; Phát triển, triển khai các ứng dụng số phục vụ toàn diện hoạt động nghiệp vụ của các lực lượng (biên phòng điện tử, hải quan số, chữ ký số, camera an ninh…) tại cửa khẩu cảng biển nhằm đơn giản hóa thủ tục hành chính, tăng cường tính minh bạch và giảm thời gian xử lý.

Thứ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Huy Dũng và Phó Chủ tịch Hoàng Minh Cường ký kết hợp tác
Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Huy Dũng và Phó Chủ tịch UBND TP Hải Phòng Hoàng Minh Cường ký kết hợp tác

Trong hướng tới triển khai các ứng dụng số về du lịch thông minh, nền tảng số phục vụ quản lý, điều hành trong lĩnh vực này dựa trên cơ sở kế thừa và phát huy hiệu quả dự án ứng dụng công nghệ thông tin nâng cao hoạt động ngành du lịch Hải Phòng. UBND TP Hải Phòng đã giao Sở Thông tin và Truyền thông là cơ quan thường trực, chủ trì tham mưu triển khai chương trình hành động.

Đồng thời, Sở theo dõi, hướng dẫn, đôn đốc và tổng hợp tình hình triển khai các nhiệm vụ, chương trình, dự án của các ngành, địa phương; Định kỳ trước ngày 15/12 hằng năm báo cáo UBND TP.

Người đứng đầu cấp ủy các cấp, thủ trưởng các cơ quan, đơn vị, địa phương phải chịu trách nhiệm trước Thành ủy, UBND TP về kết quả chuyển đổi số trong cơ quan, đơn vị, địa bàn phụ trách.

Lãnh đạo thành phố Hải Phòng đã xác định năm 2022 sẽ là năm đặt nền móng, động lực để Hải Phòng phát triển mạnh mẽ, đột phá về CĐS. Vì thế, thành phố đã mời gọi nhiều doanh nghiệp công nghệ đến cùng tìm hướng đi tốt, sử dụng công nghệ tiên tiến nhất nhằm thực hiện chuyển đổi số nhanh, mạnh.

Quan điểm của thành phố là khuyến khích, hỗ trợ các tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân nhận chuyển giao công nghệ; Có cơ chế, chính sách hỗ trợ doanh nghiệp vừa và nhỏ trong việc CĐS; Ưu tiên thu hút đầu tư dự án có trình độ công nghệ cao, thân thiện môi trường, có khả năng lan tỏa, liên kết với các doanh nghiệp trong nước theo chuỗi giá trị...

Tháng 4/2022, Bộ Thông tin và Truyền thông đã cùng UBND TP Hải Phòng ký kết biên bản ghi nhớ về phối hợp thúc đẩy CĐS giai đoạn 2022 - 2025 với nhiều nội dung. Trước mắt, triển khai trong năm 2022 là đẩy mạnh hiệu quả sử dụng dịch vụ công trực tuyến; Đưa tỷ lệ dịch vụ công trực tuyến có phát sinh hồ sơ trực tuyến và tỷ lệ hồ sơ trực tuyến đạt trên 50%; Thí điểm đo lường tỷ trọng kinh tế số trong GRDP của thành phố; Phối hợp, thúc đẩy đưa 100% các hộ sản xuất nông nghiệp đáp ứng tiêu chí lên sàn thương mại điện tử.

“Bên cạnh đó, thành phố tập trung định hướng CĐS một số ngành kinh tế chính như phát triển kinh tế số trong năng lượng, nông nghiệp, giao thông vận tải, phát triển cảng và logistics, triển khai các ứng dụng số về du lịch thông minh, kinh tế số trong tài chính - ngân hàng...”, ông Hoàng Minh Cường, Phó Chủ tịch UBND TP Hải Phòng cho hay.

Hải Phòng quyết tâm đứng trong top 10 về CĐS

Thực hiện chỉ đạo của Chính phủ tại Quyết định số 749/QĐ-TTg phê duyệt Chương trình CĐS quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030, Hải Phòng đã và đang nỗ lực triển khai từng bước công cuộc CĐS toàn diện. Ban Thường vụ Thành ủy Hải Phòng cũng đã ban hành Nghị quyết 03 về CĐS đến năm 2025, định hướng đến năm 2030.

Tại kỳ họp thứ 3 (kỳ họp chuyên đề) diễn ra cuối năm 2021, HĐND thành phố khóa XVI đã quyết định đầu tư hơn 308 tỷ đồng để xây dựng chính quyền số với mục tiêu đẩy mạnh phát triển hạ tầng số, dữ liệu số, phục vụ triển khai CĐS giai đoạn 2021-2025 theo đúng tinh thần Nghị quyết 03.

Hải Phòng “quyết” đưa chuyển đổi số thành động lực phát triển
Hải Phòng xác định CĐS là nhiệm vụ trọng tâm trong năm 2022 - đây cũng là một phần trong chủ đề năm của thành phố (Ảnh: Đàm Thanh)

Ông Lương Hải Âu, Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông Hải Phòng cho biết: “Dự án xây dựng chính quyền số thành phố Hải Phòng giai đoạn 2021-2025 sẽ phát triển hạ tầng số gồm: Trung tâm dữ liệu, hình thành nền tảng điện toán đám mây dùng chung của các cơ quan Nhà nước; Xây dựng các ứng dụng trên nhiều nền tảng số để cung cấp dịch vụ cho người dân, doanh nghiệp; Xây dựng hệ thống giám sát, kiểm tra, đánh giá chính quyền số... Việc CĐS sẽ được thực hiện đồng bộ, toàn diện trên các lĩnh vực chính phủ số, kinh tế số, xã hội số…”.

Các cấp, ngành của Hải Phòng đã tích cực triển khai thực hiện hoạt động này. Trong đó, ngành Giáo dục và Đào tạo đang triển khai hệ thống cơ sở dữ liệu ngành; Văn bản điện tử, học bạ điện tử, sổ điểm điện tử dần thay thế văn bản, tài liệu giấy...

Với ngành y tế, 100% bệnh viện triển khai phần mềm quản lý bệnh viện, kết nối dữ liệu liên thông với Cổng thông tin giám định BHXH; Thí điểm hồ sơ bệnh án điện tử tại Bệnh viện Đa khoa quốc tế Hải Phòng và đã được Hội đồng Thẩm định của Bộ Y tế công nhận là một trong 10 bệnh viện đầu tiên trong toàn quốc triển khai hồ sơ bệnh án điện tử.

Trong lĩnh vực quản lý đất đai và môi trường, Sở Tài nguyên và Môi trường thực hiện 6 dự án về: “Tăng cường quản lý đất đai và cơ sở dữ liệu đất đai”; Dự án Đầu tư xây dựng hệ thống hồ sơ địa chính và cơ sở dữ liệu quản lý đất đai - giai đoạn I (thực hiện trên địa bàn 4 quận/huyện: Dương Kinh, Đồ Sơn, Cát Hải, Bạch Long Vỹ).

Quy mô đầu tư: Đo đạc, lập bản đồ địa chính 4 quận/huyện; Kê khai, đăng ký đất đai 100% thửa đất; Cấp mới giấy chứng nhận quyền sử dụng đất 12.330 thửa, cấp đổi giấy chứng nhận theo nhu cầu của người dân là 37.729 thửa; Xây dựng cơ sở dữ liệu cho tất cả các thửa đất của 4 quận/huyện; Sử dụng phần mềm Elis để xây dựng, quản lý, khai thác, vận hành cơ sở dữ liệu; Dự án Trung tâm điều khiển tích hợp dữ liệu quan trắc môi trường và lắp đặt các trạm quan trắc môi trường tự động…

Trong lĩnh vực giao thông vận tải, năm 2021, đã có 23.600 hồ sơ được tiếp nhận và xử lý tại hệ thống tiếp nhận đăng ký và chuyển trả giấy phép lái xe cấp mới và giấy phép lái xe cấp đổi thông qua Cổng dịch vụ công trực tuyến.

Thành phố đã triển khai hệ thống giám sát tàu thuyền ra vào cảng; Hệ thống luồng hàng hóa ra vào cảng của Cảng vụ Hải Phòng; Thu phí sử dụng công trình, kết cấu hạ tầng, công trình dịch vụ, tiện ích công cộng trong khu vực cảng biển Hải Phòng được thực hiện trực tuyến, hoàn toàn không dùng tiền mặt.

Khai trương Cổng dịch vụ công cấp đổi giấy phép lái xe mức độ 4 tại Sở Giao thông - Vận tải Hải Phòng ảnh: Ngọc Sơn
Các đồng chí lãnh đạo thành phố thực hiện nghi lễ khai trương Cổng dịch vụ công cấp đổi giấy phép lái xe mức độ 4 tại Sở Giao thông vận tải Hải Phòng (ảnh: Ngọc Sơn)

Đặc biệt, cuối năm 2021, mô hình thử nghiệm trung tâm giám sát điều hành đô thị thông minh tích hợp các hệ thống giám sát, như: Tổng hợp báo cáo kinh tế - xã hội, dịch vụ công trực tuyến, giám sát thông tin trên mạng, hệ thống thử nghiệm camera xử lý vi phạm giao thông... đã được ra mắt tại địa phương này.

Để xây dựng chính quyền số, trong năm nay, Hải Phòng tập trung vận hành hiệu quả mô hình thử nghiệm trung tâm giám sát điều hành đô thị thông minh, cung cấp dịch vụ số tiếp nhận, giải quyết phản ánh kiến nghị của người dân.

Đối với kinh tế số, thúc đẩy thương mại điện tử, đồng thời xây dựng cơ chế chính sách thúc đẩy phát triển doanh nghiệp công nghệ số, thu hút đầu tư của các doanh nghiệp công nghệ số vào các khu công nghiệp.

Đối với mục tiêu xã hội số, trước mắt Hải Phòng tập trung xây dựng hệ thống định danh điện tử, phát triển nền tảng thanh toán điện tử, ứng dụng công dân, phát triển nền tảng giáo dục trực tuyến, triển khai học bạ điện tử, sổ sức khỏe điện tử.

Hiện tại, Hải Phòng đứng thứ 21 về CĐS, với thứ hạng ở 3 trụ cột chính quyền số, kinh tế số và xã hội số lần lượt là 33, 20 và 14. Với kế hoạch mới ban hành, Hải Phòng phấn đấu có tên trong Top 10 địa phương dẫn đầu về CĐS năm 2022 và đến năm 2025 đứng trong Top 5 toàn quốc.

Để đạt được mục tiêu đã đề ra, UBND thành phố Hải Phòng đã vạch rõ các nhiệm vụ giải pháp trọng tâm để cải thiện, nâng cao mức độ CĐS của địa phương trên cả 3 trụ cột: Chính quyền số, kinh tế số và xã hội số.


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Bài tin liên quan
Đang chờ cập nhật