Giải pháp nào để "tiền di động" Mobile-Money về khắp bản làng, thôn xóm?
Các giải pháp để đưa "tiền di động" Mobile-Money về khắp bản làng, thôn xóm đã được đại diện một số doanh nghiệp viễn thông đề xuất tại hội thảo “Đẩy mạnh phát triển Mobile Money tại Việt Nam”.
Lợi ích của Mobile-Money là không thể phủ nhận
Hội thảo “Đẩy mạnh phát triển Mobile Money tại Việt Nam” do Báo Lao Động phối hợp với Vụ Thanh toán (Ngân hàng Nhà nước) và Cục Viễn thông (Bộ Thông tin và Truyền thông) tổ chức vào sáng 11/5.
Tại hội thảo, ông Trương Quang Việt - Phó Tổng Giám đốc Tổng công ty Dịch vụ số Viettel cho biết, trải qua 2 năm chịu ảnh hưởng từ đại dịch COVID-19 bùng phát, lan rộng, các hoạt động sản xuất kinh doanh gặp nhiều khó khăn khiến Việt Nam nhận thức rõ ràng hơn bao giờ hết việc phổ cập thanh toán số, chuyển dịch lên nền kinh tế số là nhiệm vụ tối quan trọng.
Trước tình hình đó, Thủ tướng Chính phủ cũng đã đưa ra các định hướng, xây dựng các hoạt động ứng phó vô cùng nhanh chóng, trong đó có việc thúc đẩy triển khai thí điểm Mobile-Money trên cả nước.
Theo ông Việt, với Mobile-Money, không phụ thuộc vào kết nối internet hay tài khoản ngân hàng mà chỉ với một số điện thoại Viettel, người dân trên cả nước có thể thực hiện các giao dịch mua bán, chi tiêu không tiền mặt vô cùng dễ dàng thông qua tài khoản tiền di động.
Đặc biệt, trong giai đoạn bình thường mới, tiền di động đóng vai trò quan trọng trong việc mở rộng cơ hội giao thương cho tất cả mọi người, xóa nhòa khoảng cách về địa lý lẫn công nghệ. Để người dân từ thành thị đến nông thôn, đồng bằng tới miền núi, hải đảo xa xôi đều có thể dễ dàng kết nối, thực hiện trao đổi, mua bán hàng hóa chỉ với số điện thoại.
Ông Trương Quang Việt - Phó Tổng Giám đốc Tổng công ty Dịch vụ số Viettel chia sẻ tại hội thảo |
Ông Việt cho rằng, trong bối cảnh, 40% người dân Việt Nam chưa có tài khoản ngân hàng, việc triển khai tiền di động cũng tạo thêm điều kiện thuận lợi để Chính phủ có thể thực hiện các hoạt động hỗ trợ tới các đối tượng yếu thế, người dân ở vùng sâu vùng xa như giải ngân các khoản trợ cấp, hỗ trợ an sinh xã hội, cấp vốn, cho vay để tạo điều kiện phát triển kinh tế.
Đại diện Viettel nhận định, lợi ích của Mobile-Money tới người dân là không thể phủ nhận. Thế nhưng, lần đầu tiên được cấp phép triển khai chính thức tại thị trường Việt Nam, Mobile-Money cũng đã đặt ra bài toán khó về thay đổi hành vi chi tiêu và sử dụng tiền của người dân.
Vấn đề đặt ra là làm sao để người dân có đủ nhận thức và sự tin tưởng để sử dụng Mobile-Money, chuyển đổi dần từ sử dụng tiền giấy sang cuộc sống không tiền mặt, thay đổi toàn diện thói quen và hưởng lợi trực tiếp từ nền kinh tế số…
Trong bối cảnh đó, tại hội thảo, ông Trương Quang Việt đề xuất Việt Nam cần đẩy mạnh các hoạt động giải ngân, hỗ trợ sản xuất kinh doanh cho nhóm đối tượng yếu thế, người dân ở vùng sâu, vùng xa thông qua tài khoản tiền di động. Để tiền di động vừa là phương thức vừa là động lực cải thiện kinh tế người dân, kích thích sử dụng và đưa tiền di động đến gần hơn với đời sống.
Cùng với đó, cơ quan quản lý Nhà nước cũng cần đưa ra các định hướng, chính sách hỗ trợ để xây dựng và nhân rộng nhiều hơn nữa các mô hình thanh toán không tiền mặt trên khắp cả nước, hướng tới mọi người dân đều sớm được tiếp cận và chấp nhận thanh toán số như một hình thức chi tiêu quen thuộc, tiện ích.
Ngân hàng và các nhà mạng triển khai tiền di động cũng cần tiếp tục duy trì và đẩy mạnh hơn nữa các hoạt động hợp tác, từ đó mang lại giá trị cho người dân khi sử dụng các tiện ích thanh toán số. Để mọi người dân, ở mọi vùng miền trên tổ quốc ngày càng nhận được nhiều giá trị làm lợi của nền kinh tế không tiền mặt, từ đó có động lực để sử dụng và dần chuyển đổi thói quen chi tiêu trong đời sống hàng ngày.
Thí điểm Mobile-Money vẫn còn nhiều vướng mắc
Cũng tại hội thảo, ông Nguyễn Văn Tấn - Phó Tổng Giám đốc Tổng công ty Dịch vụ Viễn Thông VNPT VinaPhone cũng đưa ra những thuận lợi và khó khăn khi thực hiện thí điểm dịch vụ Mobile-Money.
Về mặt thuận lợi, theo ông Tấn, Mobile-Money triển khai vào thời điểm tại Việt Nam mức độ thâm nhập thuê bao di động tại Việt Nam khá cao (theo thống kê hiện khoảng 123 triệu thuê bao/98,8 triệu dân).
Hội thảo “Đẩy mạnh phát triển Mobile Money tại Việt Nam” do Báo Lao Động phối hợp với Vụ Thanh toán (Ngân hàng Nhà nước) và Cục Viễn thông (Bộ Thông tin và Truyền thông) tổ chức sáng 11/5 |
Đồng thời, đặc tính chung dịch vụ là khách hàng chỉ cần có thuê bao di động, không cần smartphone (điện thoại thông minh) hay tài khoản ngân hàng là đã có thể sử dụng tài khoản Mobile money. Đây là điểm thuận lợi cho các nhà mạng khi thực hiện tiếp thị, giới thiệu dịch vụ tới khách hàng.
Tuy nhiên, ông Tấn cho rằng, điều kiện để mở tài khoản Mobile-Money rất chặt chẽ khi phải đáp ứng đầy đủ các yêu cầu KYC (định danh khách hàng điện tử) chính xác, chứng minh nhân dân/căn cước công dân/hộ chiếu trùng với thông tin đăng ký số thuê bao di động của khách hàng và được định danh, xác thực theo các quy định của Chính phủ về đăng ký thuê bao di động và số thuê bao di động phải có thời gian kích hoạt và sử dụng liên tục trong ít nhất 3 tháng liền kề tính đến thời điểm dăng ký mở và sử dụng dịch vụ Mobile-Money.
Theo ông Tấn, trong khi giai đoạn hiện tại hầu hết các ngân hàng đã cho phép khách hàng đăng ký tài khoản online và eKYC mà không vướng nhiều bước kiểm tra như đăng ký tài khoản Mobile-Money. Việc này làm mất đi tính ưu việt của Moble money và làm cho doanh nghiệp thí điểm phải tốn thêm nguồn lực để phát triển thuê bao di động trở thành khách hàng Mobile-Money.
Bên cạnh đó, hạn mức sử dụng thấp hơn so với tài khoản ngân hàng hoặc ví điện tử (10 triệu đồng/tháng cho toàn bộ các giao dịch rút, chuyển tiền, thanh toán nếu khách hàng thực hiện 1 giao dịch chuyển tiền 10 triệu đồng thì trong tháng không thực hiện được bất kỳ giao dịch nào khác) và hạn chế không được chuyển/nhận tiền từ các thuê bao Mobile-Money của nhà mạng khác cũng là điểm gây bất tiện cho người dùng.
Mặt khác, khái niệm Mobile-Money vẫn còn xa lạ với nhiều người, hành vi tiêu dùng tiền mặt cho các tiêu dùng nhỏ lẻ đối với người tiêu dùng và các tiểu thương vẫn còn rất phổ biến, đặc biệt đối với người dân ở các khu vực vùng nông thôn, vùng sâu, vùng xa (nơi khách hàng chưa có tài khoản ngân hàng/ví điện) còn rất e dè, thiếu sự tin tưởng đối với các hình thức thanh toán điện tử.
Cùng với đó, các quy định ràng buộc của hoạt động mở điểm kinh doanh Mobile-Money hiện hành cũng là trở ngại cho các doanh nghiệp thí điểm mở rộng phạm vi/quy mô tiếp cận và phải cần nhiều thời gian/nguồn lực hơn để định hướng, thay đổi hành vi của khách hàng.
"Hầu hết các doanh nghiệp khi VNPT trao đổi, đàm phán mở điểm kinh doanh đều đánh giá việc trở thành điểm kinh doanh ủy quyền dịch vụ Mobile-Money không mang lại lợi ích kinh tế đủ lớn trong khi phải đáp ứng nhiều yêu cầu chặt chẽ", ông Tấn cho hay.
Cũng theo ông Tấn, tại các khu vực vùng sâu, vùng xa số lượng các doanh nghiệp phù hợp, đáp ứng các tiêu chí để trở thành điểm kinh doanh Mobile-Money là khá thấp. Trong khi đó, dự kiến phí thu được từ dịch vụ là không cao, khó đủ bù đắp chi phí ban đầu nên các doanh nghiệp không mặn mà với việc trở thành điểm kinh doanh Mobile-Money, gây khó khăn cho nhà mạng trong việc đàm phán, thuyết phục và mở rộng phạm vi cung cấp dịch vụ tới các khu vực này trong thời gian vừa qua.
Do đó, ông Tấn cho rằng, để có thể giúp hình thức thanh toán này phát triển bền vững và đi vào đời sống của người dân thì cần phải xem xét các vấn đề gây trở ngại nêu trên và có quyết sách điều chỉnh kịp thời, tạo ra một môi trường thuận lợi hơn với người dùng.
Trên cơ sở đó, đại diện VNPT VinaPhone đề xuất cơ quan quản lý Nhà nước xem xét cho phép thuê bao di động không cần thực hiện định danh lại, đồng thời không cần đáp ứng yêu cầu đã sử dụng liên tục trong ít nhất 3 tháng liền kề tính đến thời điểm đăng ký mở và sử dụng dịch vụ Mobile-Money (do tại thời điểm đăng ký mới của dịch vụ di động, nhà mạng đã thực hiện định danh, xác thực theo các quy định của Chính phủ về đăng ký thuê bao di động).
Đại diện VNPT VinaPhone cũng đề xuất cho phép khách hàng sử dụng Mobile-Money của các nhà mạng thực hiện thí điểm có thể chuyển/nhận tiền với nhau.
Đối với hoạt động phát triển điểm kinh doanh, ông Tấn đề xuất các cơ quan quản lý Nhà nước cho phép doanh nghiệp thí điểm có thể mở rộng hợp tác với các doanh nghiệp ngoài các điểm cung cấp dịch vụ viễn thông ủy quyền nhưng có tiềm lực về kinh doanh dịch vụ Mobile-Money và đáp ứng được các quy định quản trị để có thể nhanh chóng mở rộng mạng lưới kinh doanh đến các khu vực vùng sâu, vùng xa đáp ứng mục tiêu phát triển mạng lưới phục vụ khách hàng tại các khu vực này.
Ngoài ra, đối với hoạt động phát triển điểm chấp nhận thanh toán, cần cho phép các doanh nghiệp thí điểm có thể ký kết hợp tác trực tiếp với các đơn vị/ tổ chức trung gian khác trên thị trường như các ngân hàng, trung gian thanh toán… để tận dụng được lợi thế về sẵn mạng lưới của các đơn vị này trên thị trường, nhanh chóng tạo được môi trường thuận tiện cho khách hàng khi sử dụng dịch vụ Mobile-Money.