Đề xuất tăng mức hưởng trợ cấp thất nghiệp: Trợ cấp không đủ chi phí cá nhân
Hiện nay, mức hưởng trợ cấp cho lao động thất nghiệp đang là 60% trên nền lương tối thiểu vùng. Đại biểu Quốc hội đề xuất nên tăng từ 60% lên 75%.
Người lao động nhận chế độ trợ cấp trong thời gian thất nghiệp. Ảnh: INT |
Bên cạnh đó, nhiều đại biểu bày tỏ lo ngại người lao động sẽ chịu thiệt thòi trước đề xuất của Chính phủ về việc không cho hưởng trợ cấp thất nghiệp đối với trường hợp bị sa thải hoặc kỷ luật buộc thôi việc.
Đề nghị tăng từ 60% lên 75%
Sáng 27/11, tiếp tục Chương trình Kỳ họp thứ 8, dưới sự chủ trì của Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn, Quốc hội thảo luận tại hội trường về dự án Luật Việc làm (sửa đổi). Đánh giá cao nội dung dự thảo, song các đại biểu còn nhiều băn khoăn về mức hưởng trợ cấp thất nghiệp.
Thảo luận về dự thảo Luật Việc làm (sửa đổi) sáng 27/11, đại biểu Điểu Huỳnh Sang - Đoàn ĐBQH tỉnh Bình Phước cho biết, về mức hưởng trợ cấp thất nghiệp, hiện nay theo quy định, mức hưởng trợ cấp thất nghiệp hàng tháng của người lao động bằng 60% mức bình quân tiền lương đóng bảo hiểm thất nghiệp của 6 tháng đã đóng bảo hiểm thất nghiệp gần nhất trước khi thất nghiệp, tối đa không quá 5 lần mức lương tối thiểu vùng.
Tuy nhiên, theo đại biểu đoàn Bình Phước, hầu hết doanh nghiệp đóng bảo hiểm thất nghiệp theo mức lương tối thiểu vùng (khoảng 4 triệu đồng/tháng), mức trợ cấp chỉ khoảng 2,5 triệu đồng/tháng. Trên thực tế, mức trợ cấp này không đủ chi phí cá nhân cho người lao động, chứ chưa kể đến việc lo chi phí cho gia đình. Vì vậy, đại biểu đề xuất tăng mức hưởng trợ cấp thất nghiệp từ 60% lên 75% mức bình quân tiền lương đóng bảo hiểm thất nghiệp cho người lao động, để phù hợp với thực tiễn cuộc sống thực tế.
Hiện thời gian hưởng trợ cấp thất nghiệp được tính theo số tháng đóng bảo hiểm thất nghiệp, cứ đóng đủ 12 tháng đến đủ 36 tháng thì được hưởng 3 tháng trợ cấp thất nghiệp, sau đó, cứ đóng đủ thêm 12 tháng thì được hưởng thêm 1 tháng trợ cấp thất nghiệp nhưng tối đa không quá 12 tháng. Đại biểu Điểu Huỳnh Sang cũng kiến nghị bỏ quy định “tối đa không quá 12 tháng” về thời gian hưởng trợ cấp thất nghiệp, thực hiện theo nguyên tắc có đóng, có hưởng và đóng đến đâu thì hưởng đến đó, không giới hạn.
Đồng quan điểm với đại biểu Bình Phước, đại biểu Đoàn Thị Lê An - Đoàn ĐBQH tỉnh Cao Bằng cho rằng, mức hưởng trợ cấp thất nghiệp hiện nay không đáp ứng được nhu cầu chi tiêu tối thiểu cho cuộc sống của người lao động.
Phân tích vấn đề, đại biểu Đoàn Thị Lê An cho biết đã tiến hành nghiên cứu và nhận thấy mức chi tối thiểu của gia đình người lao động trong năm 2023 là khoảng 11,7 triệu đồng/tháng. Trong khi đó, mức hưởng bảo hiểm thất nghiệp của người lao động chỉ khoảng 3,3 triệu đồng/tháng, tức là mới đáp ứng được khoảng 30% mức chi tiêu tối thiểu. Đại biểu nhận định, Luật Việc làm đã trải qua hơn 10 năm áp dụng, vì vậy một số nội dung không còn hợp lý với thời điểm hiện nay, cần rà soát và điều chỉnh để đảm bảo cuộc sống cho người lao động trong giai đoạn này.
Bị sa thải sẽ không được trợ cấp thất nghiệp?
Tại dự thảo, Chính phủ đề xuất bổ sung một trường hợp không được trợ cấp thất nghiệp, đó là người lao động bị sa thải theo pháp luật về lao động hoặc bị xử lý kỷ luật buộc thôi việc theo pháp luật về viên chức. Nhiều đại biểu không đồng tình và cho rằng quy định như vậy khiến người lao động bị sa thải hoặc buộc thôi việc sẽ rơi vào tình cảnh khó khăn.
Liên quan đến đề xuất này của Chính phủ, đại biểu Phạm Văn Hòa – Đoàn ĐBQH Đồng Tháp cho rằng, nếu không cho hưởng trợ cấp thất nghiệp, người lao động bị sa thải hoặc buộc thôi việc sẽ gặp nhiều khó khăn, nhất là trong bối cảnh không có việc làm. Vị đại biểu đoàn Đồng Tháp cũng nêu quan điểm, quy định như dự thảo là bất công với người lao động thuộc diện bị sa thải hoặc bị kỷ luật vì vi phạm pháp luật. Đại biểu Phạm Văn Hòa đề nghị dự thảo luật cần quy định theo nguyên tắc có đóng có hưởng, dù người lao động có vi phạm gì đi nữa thì vẫn phải được hưởng trợ cấp thất nghiệp.
“Có đóng là có hưởng, cho dù người ta có làm bất cứ điều gì, dù ở tù thì sau khi ra tù cũng phải được hưởng. Người ta đã đóng bảo hiểm xã hội, đã đóng bảo hiểm thất nghiệp, tiền người ta đã đóng rồi mà bây giờ không cho hưởng. Như vậy là bất hợp lý”, đại biểu Hòa phát biểu.
Cùng mối quan tâm về vấn đề này, đại biểu Nguyễn Hoàng Bảo Trân - Đoàn ĐBQH tỉnh Bình Dương cho biết, trên thực tế nhiều trường hợp người lao động mặc dù đóng đầy đủ bảo hiểm thất nghiệp nhưng lại không thể hưởng vì lý do bất khả kháng, phải đơn phương chấm dứt hợp đồng mà không thể báo trước theo quy định. Mặt khác, có những người lao động vi phạm kỷ luật không hoàn toàn xuất phát từ lỗi cá nhân mà từ áp lực hoặc nhiều điều kiện, làm việc bất công dẫn đến mất cân bằng quyền lợi cho nhóm này.
Đại biểu Đặng Thị Bảo Trinh – Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Nam nhận xét, thực tế người lao động bị sa thải sẽ rất khó tìm công việc mới, vì người sử dụng lao động thường có tâm lý xem việc sa thải như là lý lịch không tốt để từ chối nhận vào làm việc.
Vì vậy, để bảo đảm quyền lợi cho nhóm này, đại biểu Bảo Trinh đề nghị cần xây dựng luật theo hướng họ vẫn được hưởng trợ cấp thất nghiệp kể cả khi bị sa thải hay buộc thôi việc. Đồng thời cần có cơ chế kiểm soát tránh tình trạng phân biệt trong tuyển dụng lao động đối với người lao động đã bị sa thải hoặc buộc thôi việc.
Đại biểu Điểu Huỳnh Sang - Đoàn ĐBQH tỉnh Bình Phước đặt giả thiết sau khi bị sa thải hoặc buộc thôi việc, người lao động chứng minh và có kết luận của cơ quan thẩm quyền cho thấy quyết định sa thải hoặc buộc thôi việc là trái pháp luật. Như vậy trong trường hợp đó, về trách nhiệm của người sử dụng lao động, quyền lợi được hưởng trợ cấp thất nghiệp của người lao động sẽ giải quyết như thế nào? Chưa kể, việc khiếu nại, khởi kiện đối với quyết định sa thải hoặc buộc thôi việc đôi khi kéo dài đến vài năm, vậy trong thời gian này người lao động có được hưởng trợ cấp thất nghiệp hay không cũng cần được làm rõ.