Chủ tịch Hòa Bình: Người Việt có thể tự hào về những công trình được xây bằng nhà thầu nội
Bây giờ, người Việt hoàn toàn có thể tự hào về những công trình Việt Nam được xây bằng những nhà thầu nội, Chủ tịch Tập đoàn xây dựng Hòa Bình khẳng định.
Cuộc phỏng vấn của Nhadautu.vn với ông Lê Viết Hải, Chủ tịch Tập đoàn xây dựng Hòa Bình không bắt đầu từ câu chuyện về ông, về Hòa Bình, mà về cậu "quý tử" Lê Viết Hiếu.
Ông vẫn nhớ như in câu nói mà Hiếu nói với vợ chồng ông ngày trước khi quyết định đi du học: "Khi trở về điều con muốn đầu tiên là đi tắm biển Vũng Tàu cho đen da và làm công nhân…". Thời gian như chớp mắt, thấm thoát ông Hải đã đến tuổi về hưu và Hiếu bây giờ đã trở thành CEO. Giấc mơ cho những người trẻ như Hiếu, được ông "nuôi dưỡng" không chỉ bằng tình phụ tử, mà ông gọi: "Thời gian cuối đời để xây dựng công trình vĩ đại, mang tên: Thế hệ vàng".
7 ngày tắm biển cho đen để được làm công nhân
Vậy cuối cùng Hiếu vẫn trở thành công nhân chứ, thưa ông?
Ông Lê Viết Hải: (Cười) Đúng thế, nhưng là một nhân viên! Hơn 6 năm ở Mỹ, Hiếu quay về nước. Hiếu từ chối về Hòa Bình, tự nộp hồ sơ, bắt đầu sống tự lập bằng công việc đâu tiên là nhân viên tập sự ở một ngân hàng.
Năm thứ 2 đi làm, Hiếu lúc đó 24 tuổi, làm ở vị trí xét cấp tín dụng doanh nghiệp của một ngân hàng nước ngoài tại TP.HCM. Khi ấy, thấy tôi thường xuyên đi sớm về khuya vì khối lượng công việc công ty lớn nên Hiếu quyết định về tập đoàn phụ giúp, đảm nhận phụ trách phát triển dự án Hòa Bình tại nước ngoài. Năm 2019, công ty đề bạt Hiếu lên vị trí Phó tổng giám đốc (PTGĐ) đối ngoại khu vực miền Bắc.
Giữa năm 2020, công ty quyết định bổ nhiệm CEO mới và Hiếu là một trong các ứng cử viên. Tháng 7/2020, Hiếu được HĐQT chính thức giao chức vụ TGĐ và sau đó Công ty làm lễ chuyển giao thế hệ. Hôm đó, nhìn con chững chạc nhận nhiệm vụ, tôi ôm hôn con, trong lòng xúc động vô cùng.
"Xé rào", "lách luật" và cơ hội duy nhất để Việt Nam bứt tốc!
Cảm xúc hạnh phúc đến tột độ ấy là của bố dành cho con trai hay vị Chủ tịch dành cho thế hệ kế nhiệm ở Hòa Bình?
Ông Lê Viết Hải: Bố con cũng đúng, mà hơn cả bố con cũng đúng! Bạn biết đấy, năm nay tôi đã ngoài 60, thế hệ chúng tôi trải đủ tất cả thời kỳ của Việt Nam, phải nói rất khổ cực! Năm 1987, tôi thành lập văn phòng xây dựng Hòa Bình sau khi đất nước đổi mới vào năm 1986, kinh tế đất nước phát triển, còn công ty mỗi giai đoạn 5 năm tăng trưởng 5 lần.
Cường quốc chỉ nằm trong giai đoạn bùng nổ dân số. Gọi là "thập kỷ vàng"! Tại Việt Nam, "thập kỷ" này chỉ còn hơn 1 thập kỷ nữa, bắt đầu từ 2021 đến năm 2034, khi dân số Việt Nam trong tuổi lao động đạt độ cực đại trong suốt 25 năm. Mà Hiếu, con trai tôi sẽ chính là thế hệ trung tâm của cái "thập kỷ vàng" ấy. Từ nhỏ, tôi đã truyền đạt cho Hiếu rõ điều này. Với tôi, Hiếu vừa là đứa con hết mực tôi thương yêu, vừa là hy vọng, là sự phát triển của cả Hòa Bình và ngành xây dựng.
Thập kỷ vàng? Điều này quan trọng như thế nào đối với sự phát triển của Việt Nam, thưa ông?
Ông Lê Viết Hải: Là cơ hội duy nhất và sống còn! Vì nó chỉ đến một lần và không bao giờ quay lại! Thứ nhất, con người sẽ có xu hướng ít muốn lập gia đình, sinh con sớm. Tỷ lệ sinh giảm, tuổi thọ tăng khiến trẻ em sinh ra không bao giờ đủ bù vào lực lượng lao động đang thiếu hụt.
Thứ hai, sau "thập kỷ vàng", nhiều món nợ quốc gia sẽ đến hạn phải trả. Khó khăn sẽ càng chồng chất khó khăn. Đó chính là lý do năm 2020 nhà nước báo động, bắt đầu thực hiện rất nhiều chính sách điều chỉnh, cốt nhằm kéo dài "cơ cấu dân số vàng" lâu nhất.
Tôi ra nước ngoài, đã chứng kiến một số nước trong khu vực mà theo đánh giá là chậm trễ, vụt mất cơ hội "vàng" này, dân họ chỉ có tăng thu nhập chứ chẳng bao giờ vượt trên mức trung bình. Nó thành "cái bẫy thu nhập trung bình"! Quay về Việt Nam, nước ta đã phát triển nhiều song đâu đó vẫn còn trì trệ! Nếu không nhanh chóng xây dựng "móng nhà", thì ngay cả khi "thập kỷ vàng" đến, biết đó, thấy đó, nhưng chúng ta chẳng còn thời gian để đón nó nữa. Và kết cục, Việt Nam sẽ lại rơi vào "cái bẫy thu nhập trung bình" giống các nước bạn.
Ngay cả vấn đề pháp lý đầu tư xây dựng ngày nay thôi, nó đã tồn tại nhiều vướng mắc, quy định bất hợp lý. Ở các nước phát triển, đã ban luật là họ thực hành ngay và ít sai sót vì được rà soát rất chặt chẽ. Nhưng Việt Nam mình, ra luật rồi đấy, nhưng nếu chưa thông qua nghị định thì xem như chưa áp dụng. Chính những "kẽ hở" ấy khiến doanh nghiệp, cá nhân không biết vận dụng thế nào. Áp dụng không hiệu quả thì cuối cùng "xé rào", "lách luật".
"Không còn nhiều thời gian"
Nếu đúng thế thì Việt Nam cần làm gì để đón "thập kỷ vàng" này?
Ông Lê Viết Hải: Thứ nhất, Chính phủ cần nắm các xu hướng kinh tế. Từ đó, thông tin, làm cầu nối hỗ trợ các doanh nghiệp Việt Nam tiếp cận thị trường toàn cầu.
Thứ 2, trong quá trình đàm phán hiệp định thương mại, Chính phủ cần chú trọng những điều khoản ưu tiên cho sự phát triển thị trường công nghiệp xây dựng Việt Nam như giảm hoặc miễm thuế nhập khẩu lao động, vật tư, phương tiện tại các nước sở tại.
Thứ 3, đối với trong nước, nhà nước cần tạo điều kiện cho các doanh nghiệp Việt Nam cùng tham gia các dự án quy mô lớn.
Thứ 4, về phía doanh nghiệp, cần nỗ lực phấn đấu, cần đoàn kết, khẩn trương và quyết liệt thực hiện thành công các mục tiêu chiến lược để lập một hệ sinh thái kinh doanh tối ưu, liên kết cùng phát triển.
Thứ 5, nguồn lực lao động phải có kiến thức, trình độ chuyên môn phù hợp, có kỹ năng, kinh nghiệm lao động, am hiểu pháp luật, thấm nhuần văn hoá dân tộc, phong tục tập quán nước sở tại.
Còn riêng Hòa Bình, ông đã chuẩn bị gì?
Ông Lê Viết Hải: Suốt một tháng sau COVID-19, cổ phiếu Hòa Bình rớt thê thảm. Và đỉnh điểm buổi chiều cuối tháng 3, Hiếu gọi bảo tôi: "Nó chạm đáy dưới 6.000 đồng rồi ba ạ!", tôi lặng đi. Khi ấy, giá cổ phiếu Hòa Bình như con xe máy rồ hết ga mà đổ dốc vậy. Cả buổi chiều hôm ấy, tôi đi trong nhà, quanh quẩn mãi lời ba về sự vô thường của Đức Phật: "Mọi thứ trên đời đều không tồn tại vĩnh viễn, chỉ là mình cố gắng kéo dài nó bao lâu", mới có thể an yên trở lại. Hôm sau, tôi đến công ty sớm, đứng trước HĐQT, tôi nói hết những lời từ tận tâm khảm.
Suốt 1 năm tất cả nhân viên Hòa Bình đều đồng tâm giảm giờ làm, giảm lương. Chính tôi cũng đứng ra giảm 80% thu nhập để san sẻ với anh em. Từ cuộc khủng hoảng năm 1998, rồi khủng hoảng kinh tế toàn cầu năm 2012, đến khủng hoảng COVID-19 năm 2020, Hòa Bình nếm đủ và cuối năm 2020, Hòa Bình vẫn đứng vững.
Bây giờ bạn đi khắp cả nước xem, trừ công trình đặc thù thì có tòa cao ốc nào không phải của tổng thầu Việt Nam không? Năm 1986, Hàn, Úc, Hồng Kông, Pháp, Trung Quốc,… ồ ạt vào nước ta, thi công tất cả công trình cao tầng. Nhưng bây giờ họ đã gần như hoàn toàn rút khỏi Việt Nam. Không những thế, từ năm 2011, tôi đưa "con tàu" Hòa Bình ra nước ngoài, quản lý xây dựng chung cư cao cấp Le Yuan Residence (Kuala Lumpur, Malaysia), tòa cao ốc GEMS (Myanmar),… Bây giờ, người Việt hoàn toàn có thể tự hào về những công trình Việt Nam được xây bằng những nhà thầu nội Việt Nam!
Xin cảm ơn ông!