Vụ lợn chết vứt đầy đường ở Hà Nội: Cán bộ, công chức liên quan có thể bị xử lý hình sự
Hà Nội - Dù pháp luật có chế tài nghiêm khắc, tình trạng vứt xác lợn chết tràn lan ở xã Suối Hai vẫn tái diễn nhiều ngày qua.
Xác lợn chết được bọc trong bao tải, vứt ở ven đường vào thôn Hiệu Lực, xã Suối Hai, Hà Nội. Ảnh: Thùy Linh
Đã xảy ra, từng xử lý rồi lại tái diễn
Theo phản ánh của Báo Lao Động, tuyến đường vào thôn Hiệu Lực (xã Tản Lĩnh cũ, nay là xã Suối Hai, TP Hà Nội) xảy ra tình trạng nhiều xác lợn chết bị vứt dọc hai bên đường.
Đến chiều 16.7, ghi nhận mới cho thấy, xác lợn chết vẫn còn rất nhiều quanh khu vực phóng viên phản ánh.

Đáng chú ý, tình trạng vứt xác lợn chết từng xảy ra tại khu vực này vào tháng 12.2018. Khi đó, sau phản ánh của Báo Lao Động, cơ quan chức năng đã vào cuộc, tổ chức tiêu hủy bài bản và tăng cường tuyên truyền cho người dân, giúp tình hình được cải thiện đáng kể.
Tuy nhiên, sự việc tái diễn trong năm 2025 cho thấy, việc kiểm tra, giám sát và xử lý vi phạm tại địa phương vẫn còn nhiều bất cập, thiếu quyết liệt, dẫn đến nguy cơ mất kiểm soát dịch bệnh.
Với tính chất đặc thù là địa bàn chăn nuôi lớn của Hà Nội, xã Suối Hai và khu vực lân cận cần có biện pháp kiểm soát dịch bệnh chặt chẽ hơn.

Có thể xử lý hình sự, nếu để xảy ra hậu quả nghiêm trọng
Theo luật sư Hoàng Văn Hà - Công ty Luật TNHH ARC Hà Nội, hành vi vứt xác lợn chết ra môi trường như tại xã Suối Hai (TP Hà Nội) thời gian qua là hành vi vi phạm pháp luật thú y, pháp luật bảo vệ môi trường và có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự nếu gây hậu quả nghiêm trọng.
“Theo Điều 13 Luật Thú y 2015, hành vi vứt động vật mắc bệnh, chết và sản phẩm của chúng ra môi trường là hành vi bị nghiêm cấm. Xác động vật chết, đặc biệt do dịch bệnh, nếu không xử lý đúng cách sẽ trở thành nguồn lây nhiễm nguy hiểm, ảnh hưởng đến các hộ chăn nuôi khác và sức khỏe cộng đồng” - luật sư Hà phân tích.
Về chế tài hành chính, theo Nghị định 90/2017/NĐ-CP, cá nhân thực hiện hành vi này có thể bị phạt từ 5 - 6 triệu đồng, tổ chức vi phạm bị phạt gấp đôi. Điều 241 Bộ luật Hình sự năm 2015 (sửa đổi bổ sung 2017) quy định: Nếu hành vi làm lây lan dịch bệnh nguy hiểm cho động vật dẫn tới hậu quả nghiêm trọng như gây thiệt hại kinh tế, làm chết người, người vi phạm có thể bị phạt tù lên tới 12 năm.
Cũng theo luật sư Hoàng Văn Hà, trong một số trường hợp, mặc dù chính quyền địa phương đã tổ chức tiêu hủy xác lợn chết, nhưng nếu thực hiện không đúng quy trình kỹ thuật như không xử lý hóa chất, để hố chôn rò rỉ dịch, gây ô nhiễm môi trường, lây lan dịch bệnh thì đơn vị thực hiện hoặc lãnh đạo liên quan có thể bị xử lý hành chính hoặc hình sự.
Theo Luật Bảo vệ Môi trường 2020 và Nghị định 45/2022/NĐ-CP, hành vi tiêu hủy động vật chết không đảm bảo quy chuẩn, gây ô nhiễm môi trường, có thể bị xử phạt hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự theo Điều 235, Điều 236 Bộ luật Hình sự 2015 (Tội gây ô nhiễm môi trường hoặc vi phạm quy định về xử lý chất thải nguy hại).
Nếu có dấu hiệu thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng, cán bộ, công chức cũng có thể bị xử lý theo Điều 360 Bộ luật Hình sự 2015.
Luật sư cũng cho rằng, cần làm rõ trách nhiệm quản lý, xử lý môi trường của các cán bộ liên quan, tránh tình trạng chôn lấp, tiêu hủy một cách... đối phó, gây ô nhiễm thứ cấp và tạo tâm lý hoang mang trong cộng đồng.