Vĩnh Long: Nhân viên ngân hàng lừa đảo trên 6 tỷ đồng lãnh án tù
Bằng thủ đoạn đưa thông tin gian dối, nam cán bộ ngân hàng Nguyễn Lê Duy Ân đã lừa đảo chiếm đoạt của nhiều bị hại với tổng số tiền trên 6 tỷ đồng.
Ngày 25/5, TAND tỉnh Vĩnh Long xét xử sơ thẩm đối với bị cáo Nguyễn Lê Duy Ân (sinh năm 1989, ngụ ấp Mỹ Thạnh C, xã Mỹ Thuận, huyện Bình Tân, tỉnh Vĩnh Long) về tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản theo khoản 4 Điều 174 Bộ luật Hình sự.
Ân là đối tượng liên quan đến bài viết "Nông dân miền Tây bỗng dưng "dính" nợ gần 2,5 tỷ đồng sau khi cho mượn số tài khoản" mà Người Đưa Tin phản ánh trước đó.
Theo cáo trạng, từ năm 2017 đến tháng 11/2017, Ân là cán bộ một ngân hàng có chi nhánh tại tỉnh Vĩnh Long. Thời gian làm việc tại ngân hàng, Ân thường xuyên vay tiền của nhiều người để làm dịch vụ đáo hạn ngân hàng cho khách hàng quen biết.
Bị cáo Ân đã đưa thông tin gian dối nhằm vay tiền của nhiều người để trả nợ cá nhân và tiêu xài. Cụ thể, bị cáo Ân đã chiếm đoạt của ông Lê Văn Vịnh (ngụ huyện Vũng Liêm, tỉnh Vĩnh Long) 800 triệu đồng, chiếm đoạt của bà Tăng Thị Thu T. (ngụ Tp.Vĩnh Long, tỉnh Vĩnh Long) số tiền 3 tỷ đồng, chiếm đoạt của ông Trương Minh Th. (ngụ Tp.Vĩnh Long) số tiền 2 tỷ 480 triệu đồng.
Sau khi chiếm đoạt số tiền nêu trên, Ân bỏ trốn và bị bắt từ ngày 15/12/2022.
Bị cáo Nguyễn Lê Duy Ân được dẫn giải ra xe bít bùng.
Trong phần xét hỏi, bị cáo Ân khai quen biết với ông Vịnh từ những việc thẩm định vay vốn. Trong quá trình làm việc, bị cáo Ân cũng quen biết với bà T. và ông Th. Bị cáo làm dịch vụ đáo hạn ngân hàng từ năm 2018 và được bà T., ông Th. tin tưởng do thanh toán đầy đủ.
"Trong quá trình đáo hạn, bị cáo có giúp cho đồng nghiệp làm việc ở ngân hàng khác. Tuy nhiên, những bạn đồng nghiệp này không trả đúng hẹn dẫn đến mắt cân đối tài chính từ giữa năm 2019. Từ đó, bị cáo tìm nhiều cách khác nhau để tìm nguồn tiền nhằm bù vào.
Nghe ông Vịnh từng cho biết là có chỗ mượn tiện nên bị cáo đã nói có khách hàng cần tiền và nhờ chú Vịnh giúp. Tuy nhiên, thật chất bị cáo mượn tiền ông Vịnh, ông Th. là để trả nợ cho người khác", bị cáo Ân khai tại tòa.
Để bị hại Th. tin cho mượn tiền, bị cáo Ân đã nói dối là ông Vịnh cần tiền để đáo hạn ngân hàng. Sau khi các bị hại chuyển tiền vào tài khoản ông Vịnh, bị cáo đã dùng uỷ nhiệm chi mà ông Vịnh ký trước đó để rút hết số tiền gần 2,5 tỷ đồng.
Đối với ông Vịnh, ban đầu không tin tưởng khi nghe lời đề nghị Ân mượn số tài khoản vì sợ "rửa tiền". Tuy nhiên, do Ân nhiều lần giúp ông Vịnh đáo hạn ngân hàng nên trong lòng cũng muốn giúp Ân để trả ơn. Từ đó, sau khi ông Vịnh được Ân chở đến nhà của Thống tìm hiểu xem ai là người bạn tốt cho mượn 2,5 tỷ đồng thì ông Vịnh mới tin tưởng và đồng ý cho Ân mượn số tài khoản.
Tại tòa, ông Vịnh cho rằng do không đăng ký dịch vụ thông báo biến động số dư nên việc tiền vào tài khoản và sau đó bị cáo Ân rút hết thì ông hoàn toàn không hề hay biết. Đến khi những người chuyển vào tài khoản của ông Vịnh đến đòi lại tiền thì ông mới vỡ lẽ sự thật
Tại tòa, bị cáo Ân thành khẩn khai báo, thừa nhận hành vi phạm tội và đồng ý trả lại số tiền đã chiếm đoạt của các bị hại. Các bị hại cũng yêu cầu HĐXX giảm nhẹ hình phạt cho bị cáo Ân.
Giữ quyền công tố, đại diện VKSND tỉnh Vĩnh Long đề nghị HĐXX tuyên phạt bị cáo Ân mức án từ 13 - 15 năm tù giam.
Sau khi xem xét các tình tiết tăng nặng, giảm nhẹ, HĐXX tuyên phạt bị cáo Ân 12 năm tù giam, buộc trả lại cho các bị hại với số tiền đã chiếm đoạt.
Ông Vịnh vui vẻ khi bản thân được "giải oan".
Người cho mượn số tài khoản được "giải oan" Trước đó, như Người Đưa Tin phản ánh, ngoài việc cho mượn 800 triệu đồng, ông Vịnh còn cho Ân mượn số tài khoản để chuyển tiền, đồng thời ký trước ủy nhiệm chi (để trống nội dung) theo yêu cầu của Ân. Tuy nhiên, sau khi cho Ân "mượn" tài khoản, ông V. bất ngờ "dính" khoản nợ gần 2,5 tỷ đồng. Từ đây, cuộc sống ông Vịnh trở nên xáo trộn, những người chuyển vào tài khoản của Vịnh kéo đến nhà đòi lại tiền và kiện ông ra tòa. Đến khi Ân bị cơ quan công an bắt giữ và thừa nhận hành vi phạm tội thì ông Vịnh mới được "giải oan". |