Phạt nặng, cưỡng chế và nguy cơ hình sự khi tự ý xây nhà trên đất nông nghiệp
Việc tự ý xây dựng nhà ở trên đất nông nghiệp mà không được phép chuyển đổi mục đích sử dụng là hành vi vi phạm nghiêm trọng.
Theo Luật Đất đai 2024, đất nông nghiệp chỉ được sử dụng cho các mục đích như sản xuất nông nghiệp, lâm nghiệp, nuôi trồng thủy sản hoặc làm muối. Việc tự ý xây dựng nhà ở hoặc công trình kiên cố trên đất nông nghiệp mà không được phép chuyển đổi mục đích sử dụng là vi phạm nghiêm trọng.
Trao đổi với Báo Lao Động, Luật sư Lê Thị Thùy - CEO Công ty Luật TNHH Fric (Đoàn Luật sư TP Hà Nội) cho biết, quy định của Luật Đất đai 2024 và các văn bản hướng dẫn thi hành đã khẳng định rõ: Đất nông nghiệp chỉ được sử dụng cho mục đích sản xuất nông nghiệp, không được phép xây dựng các công trình kiên cố trên đó. Do vậy, không có bất kỳ cơ quan Nhà nước có thẩm quyền nào được phép cấp giấy phép xây dựng trên đất nông nghiệp.
Việc tự ý xây dựng trên đất nông nghiệp là hành vi vi phạm pháp luật về sử dụng đất. Tùy theo mức độ vi phạm và diện tích đất bị sử dụng sai mục đích, người vi phạm có thể bị xử phạt hành chính từ vài triệu đến hàng trăm triệu đồng. Trong những trường hợp nghiêm trọng, hành vi này có thể bị xử lý hình sự.
Luật sư Thùy cảnh báo: "Một trong những hệ lụy lớn nhất của việc xây dựng trái phép trên đất nông nghiệp là công trình không được pháp luật công nhận. Các căn nhà hoặc công trình xây dựng trên đất không phải đất ở sẽ không đủ điều kiện để cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất hoặc quyền sở hữu nhà ở.
Vì vậy, người dân cần hết sức thận trọng trước những lời hứa 'bao pháp lý', 'cam kết ra sổ' từ bên bán. Cách tốt nhất để bảo vệ tài sản và quyền lợi của mình là tự tìm hiểu, kiểm tra thông tin quy hoạch và pháp lý tại các cơ quan chức năng".
Những công trình nhà tạm, lều lán vi phạm xây dựng trên đất nông nghiệp ở xứ đồng Láng (xã Tân Dân, Phú Xuyên, Hà Nội). Ảnh: Hữu Chánh
Liên quan đến giải pháp ngăn chặn tình trạng sử dụng đất nông nghiệp trái mục đích, biến tướng đất nông nghiệp thành nhà ở, nhà xưởng, hoặc đầu cơ tích trữ để trục lợi, Luật sư Thùy cho rằng Luật Đất đai 2024 đã đặt ra các cơ chế quản lý chặt chẽ.
Trước hết, việc sử dụng đất sau khi nhận chuyển quyền được ràng buộc bởi yêu cầu đưa đất vào canh tác hoặc sản xuất nông nghiệp. Nếu sau một thời gian không sử dụng đúng mục đích, Nhà nước có quyền thu hồi đất.
Luật sư Thùy khuyến nghị, trước khi có ý định xây dựng trên đất, người dân cần chủ động liên hệ với Phòng Tài nguyên và Môi trường hoặc Văn phòng Đăng ký đất đai để kiểm tra thông tin quy hoạch. Việc xác định rõ đất có thuộc quy hoạch chuyển đổi mục đích sử dụng hay không sẽ giúp tránh rủi ro pháp lý.
Nếu muốn chuyển đất nông nghiệp sang đất ở, người dân cần thực hiện thủ tục xin chuyển mục đích sử dụng đất. Nếu đủ điều kiện để chuyển đổi và sau khi được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt, người dân phải hoàn thành nghĩa vụ tài chính, bao gồm tiền sử dụng đất và các khoản phí liên quan.
Tiếp đó, chủ đất cần xin cấp giấy phép xây dựng, đặc biệt với các công trình tại khu vực đô thị hoặc vùng có yêu cầu bảo tồn, kiểm soát chặt chẽ.
Bên cạnh việc siết điều kiện chuyển đổi mục đích sử dụng đất, các cơ quan chức năng cũng tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm như sử dụng đất sai mục đích, bỏ hoang đất đai hoặc vi phạm trật tự xây dựng.
Đồng thời, việc công khai thông tin quy hoạch sử dụng đất được xem là một trong những giải pháp quan trọng để ngăn chặn hành vi lợi dụng kẽ hở thông tin nhằm đầu cơ, thổi giá đất.