A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Hơn 8.000m2 đất rừng bị san gạt trái phép để làm trang trại ở Phú Thọ

Khoảng 8.000m2 đất rừng sản xuất tại xã Bằng Luân (Phú Thọ) bị san gạt trái phép để làm trang trại, dù trước đó đã từng bị xử phạt. Chính quyền địa phương đang kiểm tra, đề xuất hướng xử lý theo quy định.

Hơn 8.000m2 đất rừng bị san gạt trái phép để làm trang trại ở Phú Thọ

Khoảng 8.000m2 đất rừng sản xuất tại xã Bằng Luân, tỉnh Phú Thọ bị san hạ trái phép. Ảnh: Tô Công

Thời điểm ghi nhận vào đầu tháng 7.2025, tại khu vực trên có một chiếc xe tải, cách đó không xa có một chiếc máy xúc đang san gạt làm đường vào mặt bằng.

Một người dân địa phương cho biết: "Máy xúc, xe tải đã được huy động đến để đào đất khoảng 3 tháng nay, họ múc đồi xuống san lấp mặt bằng để làm trang trại chăn nuôi".

Trao đổi với phóng viên Báo Lao Động, ông Nguyễn Song Toàn - Chủ tịch UBND xã Bằng Luân - cho biết, xã Phúc Lai cũ không báo cáo, bàn giao sự việc này (xã Bằng Luân được thành lập trên cơ sở hợp nhất toàn bộ diện tích tự nhiên, quy mô dân số của các xã Bằng Doãn, Phúc Lai và Bằng Luân cũ).

"Nay nhận được phản ánh từ báo chí, xã Bằng Luân sẽ thành lập tổ công tác tiến hành xác minh, đề xuất hướng xử lý" - ông Toàn cho hay.

Sau khi tiếp nhận thông tin từ PV, Công an xã Bằng Luân, Phòng Kinh tế xã Bằng Luân cùng Trưởng khu dân cư số 3 đã đến vị trí rừng bị san gạt, hạ cốt nền để kiểm tra.

Theo biên bản làm việc, xác định diện tích đất bị san gạt ước tính khoảng 8.000m2, thuộc thửa đất số 18, tờ bản đồ số 05, mục đích sử dụng là đất rừng sản xuất, chủ đất là ông Phạm Văn Kiên và bà Lê Thị Thanh Vân.

Thời điểm kiểm tra, ghi nhận có 1 xe ôtô tải, 1 chiếc máy xúc (không biển số), cả 2 đều chưa xác định được chủ phương tiện. Biên bản cũng xác định, việc san gạt, thay đổi hiện trạng diện tích đất rừng nêu trên chưa được các cấp có thẩm quyền cấp phép. Đáng chú ý, đây không phải là lần đầu gia đình ông Kiên, bà Vân có hành vi vi phạm.

Trước đó, khoảng tháng 3.2025, UBND xã Phúc Lai (cũ) đã từng kiểm tra, lập biên bản, đình chỉ hoạt động san gạt mặt bằng và xử phạt vi phạm hành chính chủ sở hữu của diện tích đất rừng này với mức phạt 3,5 triệu đồng.

Sáng 9.7, trao đổi với phóng viên Báo Lao Động, ông Nguyễn Song Toàn - Chủ tịch UBND xã Bằng Luân - cho biết, hiện cơ quan chức năng đang trong quá trình đề xuất phương án xử lý vụ việc.

Theo Luật sư Diệp Năng Bình - Trưởng Văn phòng Luật sư Tinh Thông Luật (thuộc Đoàn Luật sư TP Hồ Chí Minh), đối với hành vi hủy hoại đất rừng sản xuất diện tích khoảng 8.000m2 trong trường hợp trên thì cơ quan có thẩm quyền xử phạt là UBND cấp xã. Theo đó, UBND cấp xã có quyền phạt tiền đến 100.000.000 đồng theo khoản 3 Điều 30 Nghị định số 123/2024/NĐ-CP.

Hành vi chuyển đất rừng sản xuất sang đất ở thuộc địa giới hành chính của xã thì bị phạt tiền từ 150.000.000 đồng đến 200.000.000 đồng đối với diện tích đất từ 0,5ha trở lên.

Bên cạnh đó, khoản 2 Điều 14 Nghị định số 123/2024/NĐ-CP cũng xác định rằng, các hành vi làm biến dạng địa hình, bao gồm thay đổi độ dốc bề mặt đất, hạ thấp bề mặt đất, hoặc san lấp nâng cao, hạ thấp bề mặt của đất sản xuất nông nghiệp (bao gồm đất rừng sản xuất) mà gây mất hoặc giảm khả năng sử dụng đất theo mục đích đã xác định, đều được xem là hành vi hủy hoại đất thì bị phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng đối với diện tích đất từ 0,5ha đến dưới 1ha.


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Bài tin liên quan
Đang chờ cập nhật