A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Chứng cứ và quyền đòi lại tài sản

Vụ án chị Nguyễn Thị Chí Nhân (sinh năm 1990) sống ở nước ngoài kiện đòi lại nhà cho mượn tại tỉnh Trà Vinh, qua quá trình hòa giải tại tòa, người mượn khai được hứa cho ở suốt đời còn luật sư giải thích căn cứ pháp luật để đòi lại.

Nguyên đơn quyết đòi lại tài sản

Ngày 8/6/2023, chị Trần Hoàng Quyên là người đại diện theo ủy quyền nguyên đơn Nguyễn Thị Chí Nhân đã gửi đơn đến TAND huyện Tiểu Cần (Trà Vinh) trình bày ý kiến về yêu cầu khởi kiện và chứng minh quyền đòi lại tài sản.

Nội dung khởi kiện có đoạn: “Buộc vợ chồng ông Lý Kim Trọng, Lê Thị Lý Quốc phải có trách nhiệm di dời ra khỏi căn nhà và đất tại thửa số 33, tờ bản đồ số 42, diện tích 2.487m2, tọa lạc tại ấp Định Hòa, xã Long Thới, huyện Tiểu Cần, tỉnh Trà Vinh để giao trả lại cho nguyên đơn Nguyễn Thị Chí Nhân quyền quản lý sử dụng; Yêu cầu vợ chồng ông Lý Kim Trọng, Lê Thị Lý Quốc bồi thường thiệt hại tiền thuê nhà, thuê chỗ ở cho nguyên đơn Nguyễn Thị Chí Nhân 500.000 đồng/tháng tính từ cuối tháng 12/2021 cho đến khi tòa án giải quyết xong”.

Một góc đất và nhà của chị Nhân

Một góc đất và nhà của chị Nhân

Theo chị chị Trần Hoàng Quyên, có hai căn cứ để đòi lại tài sản: “Thứ nhất, quyền của giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Khoản 16 Điều 3 Luật Đất đai 2013 có định nghĩa “Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất là chứng thư pháp lý để Nhà nước xác nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở, tài sản khác gắn liền với đất hợp pháp của người có quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và quyền sở hữu tài sản khác gắn liền với đất”.

Đối chiếu với trường hợp này chị Nguyễn Thị Chí Nhân là chủ sử dụng thửa đất số 33, tờ bản đồ số 42, diện tích 2.487m2 (trong đó loại đất ở là 56m2, đất trồng cây hàng năm khác là 2.431m2), địa chỉ tại ấp Định Hòa, xã Long Thới, huyện Tiểu Cần, tỉnh Trà Vinh. Chị Chí Nhân được Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Trà Vinh cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất ngày 29/9/2020, sau đó được cấp đổi vào ngày 6/6/2022.

Do vậy chị Nguyễn Thị Chí Nhân có toàn quyền quản lý sử dụng và được pháp luật bảo vệ về quyền sử dụng theo quy định của Luật Đất đai và Bộ luật Dân sự.

Thứ hai là quyền đòi lại tài sản. Căn cứ Điều 166 Bộ luật Dân sự 2015 quy định “Chủ sở hữu, chủ thể có quyền khác đối với tài sản có quyền đòi lại tài sản từ người chiếm hữu, người sử dụng tài sản, người được lợi về tài sản không có căn cứ pháp luật”.

Như nêu ở trên, nguyên đơn Nguyễn Thị Chí Nhân được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất nên là chủ thể có quyền được pháp luật bảo vệ. Vì thế, chị Nhân được quyền đòi lại tài sản từ người chiếm hữu không có căn cứ pháp luật là vợ chồng ông Lý Kim Trọng, bà Lê Thị Lý Quốc”.

Ý kiến luật sư về quyền của chị Nhân

Được biết, trong quá trình Tòa án Nhân dân huyện Tiểu Cần giải quyết vụ án, tổ chức một số phiên họp công khai chứng cứ và hòa giải đã xuất hiện lời khai của bị đơn là được nguyên đơn hứa cho ở suốt đời tại nhà và đất nêu trên. Về nội dung này, phóng viên gặp luật sư Trần Hoàng Quyên thuộc Đoàn Luật sư thành phố Cần Thơ để trao đổi vấn đề nguyên đơn có bị hạn chế quyền đòi lại tài sản hay không?

Trong vườn có nhiều cây dừa xanh tốt

Trong vườn có nhiều cây trái mọc xanh tốt

Luật sư Trần Hoàng Quyên cho biết: Tại các tài liệu chứng cứ thực có thì bị đơn không có bất kỳ văn bản nào của chủ sử dụng là chị Nguyễn Thị Chí Nhân thể hiện nội dung cho vợ chồng họ ở suốt đời. Chị Nhân cũng không xác nhận việc cho vợ chồng ông Trọng, bà Quốc ở suốt đời trên nhà đất của mình.

Dù chị Nhân có hứa cho ở suốt đời trên đất đi nữa thì việc này cũng không phù hợp với quy định pháp luật. Bởi lẽ, đất đai và tài sản gắn liền trên đất là bất động sản mà việc cho, tặng, giao dịch phải được lập thành văn bản có công chứng, chứng thực hoặc phải đăng ký quyền sở hữu theo quy định của pháp luật.

Xét về góc độ hợp đồng thuê thì các bên giao dịch cũng phải lập thành văn bản mặc dù không bắt buộc công chứng chứng thực. Do vậy, trình bày của vợ chồng bị đơn là không đủ cơ sở để được chấp nhận.

Theo luật sư Trần Hoàng Quyên, căn cứ khoản 2 Điều 164 Bộ luật Dân sự 2015 quy định “Chủ sở hữu, chủ thể có quyền khác đối với tài sản có quyền yêu cầu tòa án, cơ quan Nhà nước có thẩm quyền khác buộc người có hành vi xâm phạm phải trả lại tài sản, chấm dứt hành vi cản trở trái pháp luật việc thực hiện quyền sở hữu, quyền khác đối với tài sản và yêu cầu bồi thường thiệt hại”.

Đối chiếu với trường hợp này, chị Nguyễn Thị Chí Nhân là chủ thể có quyền với tài sản nên được quyền yêu cầu vợ chồng ông Trọng, bà Quốc có trách nhiệm bồi thường đối với hành vi xâm phạm cản trở quyền sử dụng nhà đất của mình.

Bên cạnh đó, nguyên đơn yêu cầu bồi thường số tiền 500.000 đồng/tháng là có lợi cho vợ chồng ông Trọng, bà Quốc. Bởi lẽ nếu thuê nhà đất diện tích 2.487m2 ở điều kiện tương tự thì mức giá này là rất thấp.


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Bài tin liên quan