A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Cảnh báo thủ đoạn giả danh, lừa đảo bán tour du lịch giá rẻ

Sắp vào mùa cao điểm du lịch cuối năm, thủ đoạn lừa đảo bán tour du lịch giá rẻ lại xuất hiện trên nhiều hội, nhóm mạng xã hội, người dân cần hết sức cảnh giác để tránh "mất tiền oan".

Lợi dụng tên tuổi doanh nghiệp

Theo bài đăng quảng cáo trên facebook, một tài khoản có tên "Du Lịch Việt" đăng tải nội dung bán tour du lịch Nhật Bản 6 ngày 5 đêm, với mức giá chỉ 6.690.000 đồng/khách. Theo bài đăng, đây là mức giá ưu đãi giảm 70% cho 30 khách hàng đăng ký tour đầu tiên.

Bài đăng còn liệt kê hàng loạt các điểm đến nổi tiếng tại Nhật Bản, nằm trong tour du lịch "giá rẻ" này như: Nghỉ dưỡng tại khách sạn 4 - 5 sao tại Nhật; tham quan lâu đài Osaka; chùa vàng Kinkakuji; hồ Kawaguchi; đền Meji Jinggu; chùa Tokyo Sensoji; đảo Odaiba; thưởng thức trà đạo Nhật Bản...

Phóng viên đã liên hệ đến số điện thoại trên bài viết, đầu dây cho biết là nhân viên "Công ty Du lịch Hồng Hà" (nội dung trích nguyên văn, không khẳng định là công ty như trả lời - PV), không phải của Du lịch Việt như trên bài đăng. Nhanh chóng, người này nói sẽ có người liên hệ lại số điện thoại của phóng viên để tư vấn nhưng đã vài ngày qua vẫn không thấy hồi đáp. Sau đó, phóng viên sử dụng số điện thoại khác để liên hệ thì không bắt máy.

Nội dung bài đăng
Nội dung bài đăng bán tour Nhật Bản "siêu rẻ" trên Facebook

Trao đổi với phóng viên, Công ty CP Truyền thông Du lịch Việt (gọi tắt là Du lịch Việt) khẳng định tài khoản này không phải là tài khoản của công ty, cũng như công ty không hề cung cấp những tour du lịch đi Nhật Bản giá "siêu rẻ", thị trường cũng không có tour đi Nhật Bản giá quá thấp như vậy. Hiện tại, các tour du lịch 6 ngày 5 đêm đi Nhật do công ty cung cấp có mức giá dao động từ 25 - 30 triệu đồng.

"Đã có khách hàng tưởng thật nên liên hệ đến "Du lịch Việt" này để đặt 30 chỗ, đến khi công ty phủ nhận thông tin và cho biết đây có thể là lừa đảo thì khách hàng mới bất ngờ nhận ra", đơn vị cho biết.

Trang Facebook chính thống của công ty đã nhiều lần cảnh báo đến khách hàng
Trang Facebook chính thống của công ty đã nhiều lần cảnh báo đến khách hàng

Liên quan đến vụ việc trên, phía công ty cho biết đã thông tin vụ việc đến cơ quan chức năng để phối hợp điều tra, làm rõ.

Sập bẫy bị lừa hàng trăm triệu đồng

Phản ánh đến báo Tuổi trẻ Thủ đô, chị M.L (24 tuổi, ngụ Đồng Nai) cho biết, đầu tháng 11 năm nay, một đối tượng xưng là nhân viên "Điện máy Xanh" gọi điện để gửi tặng quà. Sau đó, người này đề nghị chị L kết bạn Zalo để tiện trao đổi. Trong điện thoại, người này nói rõ chị L không phải thanh toán bất cứ khoản tiền nào để nhận phần quà này.

Sau khi kết bạn Zalo, chị L được yêu cầu tải ứng dụng Telegram về điện thoại để được thêm vào nhóm làm nhiệm vụ kiếm tiền. Trong nhóm, để tạo lòng tin với nạn nhân, các đối tượng đã soạn và gửi một bản "Hợp đồng cam kết" giữa chị L với Công ty Du lịch Việt Nam.

Đáng nói, bản hợp đồng có đầy đủ thông tin doanh nghiệp (địa chỉ, hotline, giấy phép đăng ký doanh nghiệp...), dấu mộc Công ty CP Tập đoàn K-Global, chữ ký của Tổng giám đốc... nhưng lại sử dụng logo của Du lịch Việt.

Hợp đồng do các đối tượng soạn sẵn, gửi cho chị L để tạo lòng tin
Hợp đồng do các đối tượng soạn sẵn, gửi cho chị L để tạo lòng tin. Có thể thấy, các thông tin trong hợp đồng bất nhất, không khớp với nhau

Chị L cho biết, trong nhóm này, các đối tượng gửi nhiều đường link khách sạn, nhà hàng... yêu cầu chị bấm "thích" và chụp màn hình để kiếm hoa hồng. Sau khi làm theo, chị được đề nghị chuyển khoản vài triệu đồng "hình thức" để được nhận số tiền hoa hồng này.

Khi đã hoàn tất chuyển khoản, chị L tiếp tục nhận được nhiệm vụ mới để thực hiện. Cứ như vậy, sau mỗi lần hoàn thành nhiệm vụ, chị lại được yêu cầu chuyển khoản tiền lớn hơn để nhận lại số tiền đã chuyển ban đầu...

"Ban đầu, họ trả tiền hoa hồng cho tôi rất đầy đủ, có lúc vài trăm, có lúc vài triệu bằng hình thức chuyển khoản. Điều này làm tôi nhẹ dạ tin tưởng mà tiếp tục làm theo yêu cầu. Họ còn yêu cầu tôi không được tiết lộ thông tin ra ngoài, tránh làm ảnh hưởng đến Công ty Du lịch Việt", chị L trình bày.

Đến khi chị L chuyển khoản tới 100 triệu đồng như một thủ tục cuối cùng để hoàn lại toàn bộ số tiền (theo lời tư vấn), đối tượng lại "trở mặt" và nói với chị đây chỉ mới hoàn thành 99%, còn phải thực hiện nhiệm vụ cuối là chuyển khoản 300 triệu đồng...

Đến đây, chị L mới nghi ngờ mình bị lừa và gọi điện đến số hotline của Du lịch Việt.

"Khi tôi gọi đến số công ty, nhân viên ở đây cho biết không hề có những hoạt động như vậy cũng như không biết những số điện thoại đã gọi cho tôi. Lúc này tôi biết mình đã bị lừa", chị L bức xúc kể lại.

Với thủ đoạn như trên, chị L đã bị lừa số tiền hơn 200 triệu đồng.

Đại diện Công ty Du lịch Việt cho biết, đã có rất nhiều nạn nhân gọi điện đến cho biết mình đã bị lừa tiền bởi các đối tượng giả danh công ty, doanh nghiệp cũng đã báo cáo các trường hợp cho cơ quan chức năng để phối hợp điều tra, làm rõ.

Bộ Công an cảnh báo

Để tránh người dân trở thành nạn nhân của lừa đảo "combo du lịch giá rẻ", mới đây, Bộ Công an đã ra khuyến cáo cho người dân như sau:

Về dấu hiệu nhận diện:

Các đối tượng dùng thủ đoạn đăng tải bài viết quảng cáo bán tour du lịch, phòng khách sạn giá rẻ trên mạng Internet và mạng xã hội với nhiều tiện ích kèm theo, đề nghị nạn nhân chuyển tiền đặt cọc (từ 30 - 50% giá trị) để đặt cọc tour du lịch, phòng khách sạn, từ đó chiếm đoạt số tiền đặt cọc;

Đăng bài viết quảng cáo dịch vụ làm visa (thị thực) du lịch nước ngoài, cam kết tỷ lệ thành công cao, hoàn trả 100% số tiền nếu không xin được visa. Sau khi nạn nhân chuyển khoản thanh toán chi phí hoặc một phần chi phí, các đối tượng sẽ để nạn nhân tự khai thông tin tờ khai, hoàn thiện hồ sơ… Sau đó lấy lý do nạn nhân khai thông tin bị thiếu và không trả lại tiền;

Làm giả website/fanpage của công ty du lịch uy tín, làm giả ảnh chụp biên lai, hóa đơn thanh toán và đề nghị nạn nhân chuyển khoản thanh toán chi phí tour du lịch. Sau khi khách hàng chuyển khoản để thanh toán dịch vụ du lịch, các đối tượng sẽ chặn liên lạc và xóa mọi dấu vết;

Làm giả/chiếm đoạt tài khoản của người dùng mạng xã hội, liên lạc với người thân trong danh sách bạn bè cho biết đang bị mắc kẹt khi du lịch tại nước ngoài và cần một khoản tiền ngay lập tức;

Các đối tượng mạo danh đại lý bán vé máy bay, tự tạo ra các website, trang mạng xã hội, với địa chỉ đường dẫn, thiết kế tương tự kênh của các hãng hoặc đại lý chính thức, sau đó quảng cáo với các mức giá rất hấp dẫn so với mặt bằng chung để thu hút khách hàng;

Nếu khách hàng liên hệ, các đối tượng sẽ đặt chỗ vé máy bay, gửi mã đặt chỗ để làm tin và yêu cầu khách hàng thanh toán. Sau khi nhận thanh toán, các đối tượng không xuất ra vé máy bay và ngắt liên lạc. Do mã đặt chỗ chưa được xuất ra vé máy bay nên sẽ tự hủy sau một thời gian và khách hàng chỉ biết được việc này khi đến sân bay;

Người dân cần hết sức cảnh giác với các tour du lịch giá rẻ bất thường
Người dân cần hết sức cảnh giác với các tour du lịch giá rẻ bất thường (Ảnh: Bộ Công an)

Về biện pháp phòng tránh, Bộ Công an khuyến cáo:

Để tránh bị lừa đảo trước các thủ đoạn nêu trên, người dân cần tìm hiểu kỹ thông tin khi lựa chọn các gói du lịch; nên lựa chọn dịch vụ đặt tour, đặt phòng, đặt vé máy bay của những công ty uy tín hoặc qua các App du lịch (ứng dụng du lịch). Để yên tâm hơn, người dân có thể đề nghị phía đối tác cho xem giấy phép hoạt động kinh doanh, giấy tờ, chứng chỉ hành nghề… của công ty lữ hành, du lịch.

Bên cạnh đó, cảnh giác khi nhận được lời mời chào mua gói du lịch với mức giá quá rẻ (rẻ hơn 30 - 50% so với giá chung của thị trường); đặc biệt thận trọng khi đơn vị du lịch yêu cầu chuyển tiền đặt cọc để giữ chỗ, nếu có thể nên thực hiện giao dịch thanh toán trực tiếp.

Đồng thời, mọi người chú ý các dấu hiệu nhận biết website giả mạo thông qua tên website và tên miền. Thông thường tên các website giả sẽ gần giống với tên các website thật nhưng sẽ có thêm hoặc thiếu một số ký tự. Tên miền giả thường sử dụng những đuôi lạ như .cc, .xyz, .tk…

Đặc biệt, đối với các trang mạng xã hội (Fanpage) hoạt động mua bán, quảng bá các gói du lịch, nhất là gói du lịch giá rẻ, vé máy bay giá rẻ, người dân nên chọn các trang mạng xã hội có dấu tích xanh (tài khoản đã đăng ký) hoặc chọn các trang mạng xã hội có uy tín mà mình biết rõ thông tin của người bán; xác nhận lại thông tin đặt phòng, đặt vé máy bay để kịp thời phát hiện dấu hiệu lừa đảo, trình báo cho cơ quan Công an nơi gần nhất để được hướng dẫn giải quyết.


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Bài tin liên quan
Đang chờ cập nhật